DUY LỰC NGỮ LỤC: QUYỂN HẠ – PHẦN 04

DUY LỰC NGỮ LỤC
QUYỂN HẠ
(Bài giảng trong các năm (1992 – 1999)
HT. THÍCH DUY LỰC
—-o0o

Bài giảng trong các năm 1992 – 1999
4.
27/04/1993 – 03/05/1993 Chùa Từ Ân Q.11
Hỏi: Hành giả tham Thiên rất mong có nột nơi yên ơn để tu mà không xen lẫn Tịnh Độ. Nay có người muốn hiến mảnh đất nhỏ để tạm lập Thiền đường cho chúng về tu trong khi chờ đợi Sư phụ xây thiền đường, vậy có được không?
Đáp: Được thì được, nhưng nếu hành giả có ý nghĩ như thế thì không được. Sự tu phải ở trong hoàn cảnh khó khăn mà tu được mới mau kiến tánh, tu trong cảnh thuận lại khó hơn. Cho nên, người tu chỉ sợ cảnh thuận, không sợ cảnh nghịch; cảnh thuận tự mê lúc nào không hay, cảnh nghịch mới khuyến khích cho sự tu. Tục ngữ có câu “phú quí học đạo nan”, người giàu sang học đạo càng khó hơn.
Nay có nhiều nơi muốn hiến đất, hiến chùa cho tôi, tôi không chịu nhận, nhiều người lại muốn tự lập chùa tư của mình. Chánh pháp phải phá ngã chấp, điều kiện trước tiên của pháp môn Tổ Sư Thiền là vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ, nay nổi ý muốn cầu một chỗ yên ổn để không bị quấy nhiễu cũng chẳng dễ, vì nếu không phá được ngã chấp thì chỗ nào cũng khó, đã có sẵn ngã chấp như thế làm sao kiến tánh? Chớ nói là ở chỗ đông người, chỉ có hai người là đã có tranh chấp rồi, nếu là người chân tu thì bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn nào cũng tu được.
Hỏi: Đốí với những nơi bận rộn thể nói không thể tu, tại sao đối với những nơi chẳng bận rộn cũng không thể tu? Ấy có phải chính mình lừa gạt mình không?
Đáp: Bây giờ hãy cùng nhau nghiên cứu chữ TU, tu là tu cái gì? Nếu nói theo tự tánh thì vô tu vô chứng. Tại sao? Tôi hỏi quí vị:
– Phật tánh có thể gián đoạn không?
– Không.
– Phật tánh có thể giảm bớt không?
– Không.
Khi tôi hỏi thì quí vị đều biết trả lời như thế, vậy đã sẵn sàng rồi, đâu phải do tu mới đầy đủ Phật tánh! Đã đầy đủ, không giảm bớt, gián đoạn, đang hiện hành đây, cho nên, đến cuối cùng mới biết chẳng phải do tu chứng. Vì thế, trong Đại Thừa Tuyệt Đố Luận nói “Vô thượng Bồ đề là qui vô sở đắc”.
Nhưng cuộc sống hằng ngày của chúng ta lại nghịch với Phật tánh của mình, cho nên mới có ý niệm cần tìm một nơi vắng lặng để tu, ấy là cái vọng. Phật tánh bất cứ ở nơi nào cũng chẳng thêm bớt, tức yên ổn rồi, đâu phải do tu mới được như thế !
Hỏi: Phật tánh không thêm bớt, nhưng chính trong lòng chúng con có tăng giảm thì sao?
Đáp: Do là do mình ham suy nghĩ tìm hiểu, Phật tánh đâu cần suy nghĩ tìm hiểu? Những suy nghĩ tìm hiểu đó chẳng phải Phật tánh, trong Phật tánh chẳng có những thứ đó. Cũng như tôi thí dụ hai chân vốn không có cức sình! tại ham đi con đường cức sình nên bị dính mắc rồi cho cức sình đó là của mình, cần phải rửa sạch! Chỉ cần hai chân không dẫm lên con đường đó là được rồi!
Cũng có người nói nếu không đi lên con đường đó, đâu còn đường để đi?”
Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn là tám mươi bốn ngàn con đường, tại sao không chịu đi? Lại đổ thừa rằng “Sao chẳng giúp cho tôi phương tiện để không dính mắc cức sình”. Tại ham đi mới bị dính mắc, chứ đâu có phương tiện gì!
Chơn tâm của mình luôn trong sạch, chẳng phiền não vọng tưởng, cũng chẳng có nghiệp chướng, do tâm suy nghĩ mới có phiền não nghiệp chướng. Chữ TU của con người là vì đi trên con đường có cức sình, nhưng chỗ có chỗ không, chẳng phải đầy khắp con đường, nên phải tránh chỗ có, đi chỗ sạch, rồi nói tránh cức sình là tu”, hoặc vừa đi vừa rửa, đi mộtđoạn rồi đừng lại rửa … Thôi thì bỏ con đường đó, đi con đường khác, khỏi cần rửa, khỏi cần tu, đâu cần đi một đoạn đừng lại rửa!
Hỏi: Tất cả chúng sánh đều có Phật tánh, chỉ do một niệm vô minh bất giác thành chúng sanh, vậy tu để làm gì ?
Đáp: Trong Bát Nhã Tâm Kinh nói “vô lão tử diệc vô lão tử tận”, vốn chẳng già chết, do sự cảm giác sai lầm cho là có sanh tử, nên phải tu để giải thoát sanh tử, gọi là Niết bàn. Thật ra, như Kinh Viên Giác nói “Tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”, Ngoài ra, Đức Phật còn dẫn chứng thêm với thí dụ quặng vàng:
– Trong quặng, vàng đã thành sẵn, chỉ là lẫn với đất cát tạp chất, nay luyện bỏ đất cát thì vàng thiệt hiện ra.
Nếu trong quặng không có vàng sẵn thì dù luyện thế nào cũng đâu có?
Ấy là lời thí dụ phương tiện của Phật, Phật tánh không thể giảm bớt gián đoạn, thì bây giờ cũng đã sẵn, chỉ đừng nổi lên tâm này tâm kia như: Muốn tu thành Phật, muốn bỏ vọng tưởng, muốn trừ nghiệp chướng, chứng Bồ đề … vì những thứ đó ở trong Thiền tông đều gọi là vọng tưởng.
Do vọng tưởng của sư đang suy nghĩ nên mới có câu hỏi này. Chính câu hỏi đã là vọng, nếu tôi giải đáp theo sư thì câu trả lời cũng sai theo. Nay tham thiền cứ nhìn vào chỗ chưa nổi một niệm nào hết. Chính do tâm mình cứ nổi lên niệm này niệm kia, nên trong cuộc sống hằng ngày đều ở trong nhất niệm vô minh.
Ngài Nguyệt Khê giải thích thế nào là nhất niệm vô minh: Cho cái tách này là tách, cũng là nhất niệm vô minh; cho cái bình này là bình, cũng là nhất niệm vô minh; cho Phật tánh là Phật tánh, cũng là nhất niệm vô minh; cho chúng sanh là chúng sanh, cũng là nhất niệm vô minh … chẳng có niệm nào không nằm trong nhất niệm vô minh.
Khi chưa khởi một niệm nào, gọi là vô thỉ vô minh. Khi nào hết nhất niệm vô minh, chẳng còn một niệm nào là lọt vào vô thỉ vô minh, cũng gọi là thoại đầu, cũng gọi đầu sào trăm thước, phải từ đầu sào trăm thước tiến thêm một bước, tư tưởng không còn, mới là triệt để, mới được gọi là kiến tánh.
Phật nói “Phàm là lời nói đều không có nghĩa thật”, cho nên, câu trả lời của tôi cũng là nhất niệm vô minh, nay dẫu cho bỏ hết nhất niệm vô minh, cũng còn lọt vào vô thỉ vô minh.
Hỏi: Vậy theo Sư phụ, muốn bỏ là phải dứt niệm?
Đáp: Vốn đã sẵn sàng, khỏi cần bỏ, do Sư muốn bỏ cái này lấy cái kia, nên tôi bảo bỏ nếu không muốn lấy thì đâu cần bỏ.
Hỏi: Sư phụ nói dùng cái không biết chấm dứt tất cả biết, vậy sao Sư phụ biết nhiều thế? cái biết của Sư phụ là cái biết của bộ não hay cái biết của Phật tánh?
Đáp: Cái biết của tôi là muốn chấm dứt cái biết của ông, chứ chẳng phải có chỗ sanh khởi. Chẳng có chỗ sanh khởi mới gọi là vô thỉ, cũng là nghĩa vô sanh. Thật ra, bất cứ cái gì, luôn cả Phật tánh đều chẳng thể có cái lý sanh khởi, tức không có lý bắt đầu, nên Phật nói vô thỉ.
Theo người đời, nếu đem những việc không mà nói thành có, ấy là nói dối, nói bậy; phải không? Vậy nếu có sự bắt đầu thì phải từ chỗ không biến thành có, nếu bắt đầu từ chỗ có thì chỗ có đó đã là bắt đầu rồi! Nếu từ chỗ không mà sanh ra có thì hiện nay chúng ta đâu cần tu! Vì từ không có Phật có thể sanh ra Phật, vậy đâu cần tu! Chính không có sự sanh khởi, nên người chứng quả gọi là ngộ pháp vô sanh, vì không có cái lý sanh khởi, nên Phật nói vô thỉ.
Hỏi: Có nột vị hành giả tánh hay quên, cứ đề câu thoại đầu lên rồi quên mất, vậy có thể niệm một câu thoại lần một hạt chuỗi được không?
Đáp: Không được. Nếu lần chuỗi quen rồi, sau này không có xâu chuỗi là không tham được. Vả lại, lúc làm công việc không có xâu chuỗi thì không tham sao! Lúc đầu chưa quen thoại đầu, có thể nhìn vào tờ giấy, cứ niệm cho quen rồi mới tham.
Hỏi: Con tin pháp môn tham Thiền 100%, nhưng sao con không thể tin tự tâm?
Đáp: Vậy cô tin lời Phật không? Đức Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tin không?
Hỏi: Lúc trước thì con tin sao bây giờ con không tin nổi!
Đáp: Vậy làm sao nói là tin lời Phật? làm sao gọi là tin pháp môn? Vì pháp môn là do Phật truyền, và người không tin lời Phật là Nhất xiển đề! Bất cứ pháp môn nào, thế gian hay xuất thế gian, ngay từ ban đầu phải có chữ TIN đi trước, nếu không tin làm sao thành tựu được? Nay nếu cô đã không tin lời Phật thì chẳng những phải bỏ pháp môn này, mà luôn cả đạo Phật cô cũng phải bỏ, chẳng thể tiếp tục mặc áo tu sĩ nữa.
Hỏi : Bạch Sư phụ, vậy có cách nào không?
Đáp: Chỉ có cách lột áo Cà sa ra, không theo đạo Phật nữa. Ngoài ra chẳng còn cách khác.
Hỏi: Con ở trong chùa Tịnh độ, mặc dù theo pháp môn Tổ sư Thiền, nhưng ở chùa phải theo chúng tụng kinh, bái sám, đi đám vì việc này cũng cần cho Tu sĩ. Cho nên, sự tham của con không được liên tục, những lúc con đang công phu, lại xen lẫn những câu kinh kệ nổi lên, khiến công phu chẳng đắc lực, vậy có cách nào không?
Đáp: Sư nói tụng kinh, bái sám, đi đám là việc cần cho Tu sĩ, ấy là sai. Đó chỉ do người đời sau bày đặt ra, thời Phật đâu có! Sở dĩ công phu chưa được, là vì công việc hằng ngày đã quen, còn câu thoại đầu thì mới lạ, nên cứ bị xen lẫn. Nên ngài Lai Quả nói phải tập dần, hễ thoại đầu quen được một ngày, thì cái kia sẽ lạ đi một ngày.
Nay thí dụ bằng con số: Những cái kia là số một triệu, thoại đầu chỉ là số một; thoại đầu quen đần thì cái kia phải bớt, khi thoại đầu lên đến một triệu thì cái kia sẽ hết.
Hỏi: Xin Sư phụ chỉ cách cho con tin tự tâm triệt để?
Đáp: Nay tôi hỏi cô: Có Phật tánh không?
– Dạ có.
Phật tánh có gián đoạn không?
– Dạ không.
Phật tánh có thêm bớt không?
– Dạ không.
Đáp: Nếu Phật tánh không gián đoạn thêm bớt, thì Phật tánh của cô, thần thông trí huệ đầy đủ bằng Phật Thích Ca, đang hiện hành, chỉ là cô ứng dụng hằng ngày mà chẳng tự biết, còn của Phật thì khắp không gian thời gian, chẳng chỗ nào không biết, chẳng lúc nào không biết. Chỉ xê xích như vậy thôi.
Hỏi: Nhưng tại sao có lúc công phu của con rất tiến bộ, có lúc lại thối lui?
Đáp: Thế nào gọi là tiến bộ, thế nào gọi là thối lui?
Hỏi: Lúc con mới bắt đầu tập tham đề câu thoại đầu lên; lại cớ một lúc công phu đề mãi không lên, bị thối lui hoài.
Đáp : Ngài Lai Quả trong Thiền Thất Khai Thị Lục nói, công phu của Ngài đôi khi đề lên không nỗi trong vòng một – hai ngày, nhưng đề không lên cũng phải đề, chẳng có nghi tình cũng phải đọc, vì nghi tình là dấu hỏi, đọc mãi thì nghi tình sẽ có trở lại, ấy cũng chẳng phải là lui sụt.
Hỏi : Cuộc sống hằng ngày là sống trong vọng tưởng, vậy tham thiền có phải vọng tưởng không?
Đáp: Tại sao cô nói cuộc sống hằng ngày là sống trong vọng tưởng? Mới vừa nói Phật tánh đang hiện hành, thì Phật tánh đâu phải vọng tưởng? Vọng tưởng của cô xuất phát từ chỗ nào?
– Từ ý thức phân biệt.
– Ý thức phân biệt xuất phát từ chỗ nào?
– Không biết.
Đáp: Nếu không biết thì tại sao biết hằng ngày sống trong vọng tưởng? Nếu không biết tức không vọng tưởng. Vọng tưởng của cô chỉ là sở biết, sở suy nghĩ của tâm cô, sở là ớ ngoài tâm, chẳng phải của cô, còn tâm của cô, tức năng suy nghĩ, năng biết đó, mới là của cô, chẳng có vọng tưởng.
Nói cuộc sống hằng ngày là sống trong tâm thì được, nói sống trong vọng tưởng là không thể được! nhưng vì tâm chẳng hình tướng số lượng, nên chẳng thể tự thấy biết. (Sư phụ dẫn dụ về hai chân dính cức sình, lược qua).
Hỏi: Ngày thường chúng con ớ chùa vẫn tui đến kỳ Thiền thất, chúng con cứ vẫn tu tại chùa hay đến dự Thiền thất? Dự Thiền thất có tốt hơn không?
Đáp: Dĩ nhiên là dự thiền thất tốt hơn, đông người khích lệ lẫn nhau, lười biếng không được, cũng như Tu sĩ sống trong chúng tốt hơn một mình ở cốc riêng. Việc tu là việc của mình, mọi người đến dự là vì sự sanh tử của mình, chứ chẳng phải vì Thiền thất.
Chữ tu là sửa đổi hành vi của mình. Như tôi vừa nói, đường gai gốc cức sình không nên đi, pháp môn dạy của Phật là những con đường trong sạch nên đi.
Hỏi: Thế nào là Nghĩa Khẩn – chánh – miên mật – dung hoát của ngài Bác Sơn?
Đáp: Khẩn là thống thiết vì sanh tử, Chánh là đúng với tông chỉ “vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ” của Thiền tông, Miên mật là vừa nhìn vừa hỏi câu thoại đầu, chẳng có gián đoạn, chẳng kẽ hở cho phiền não nổi lên; Dung là dung thông, Hoát là trống rỗng, là chỗ thoại đầu chẳng một niệm sanh khởi. Hễ nổi lên một niệm, bất cứ biết cái gì; dù là biết Phật, biết Bồ Tát vẫn là không dung hoát, nổi lên một niệm “không biết” cũng là không dung hoát.
Hỏi: Thế nào là “thế giới rộng một trượng thì gương xưa rộng một trượng; gương xưa rộng một trượng thì lò lửa rộng một trượng?”
Đáp: Ấy là nghĩa tất cả đều bằng nhau, cũng là nghĩa bất nhị. Hễ một chơn thì tất cả đều chơn; một giả thì tất cả đều giả, nhưng không có chơn cũng không có giả.
Hỏi: Có người nói “Bát nhã vô tri” là chẳng sanh tâm phân biệt, kể cả việc thiện việc ác, kể cả dùng những thức ăn dơ bẩn mà chẳng thấy ghê tởm, phải không?
Đáp: Nói như thế đã là phân biệt rồi! Hễ nổi lên một niệm đã là chẳng phải, huống là nhiều niệm! Tham thiền nói “nhìn” là nhìn chỗ một niệm chưa sanh khởi, nói “tham” cũng là tham chỗ một niệm chưa sanh khởi. Bây giờ lại nổi niệm cho là làm việc thiện việc ác, ăn đủ thứ dơ bẩn … Thiền tông nói: “Ăn gậy của Diêm La Vương thì có phần của ông!”
Hỏi: Vị đó còn dẫn chứng những việc làm của Hòa thượng Tế Điên, cho làm như thế là giải thoát tự tại?
Đáp: Có dẫn chứng đều là sai. Như Phật nói “phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật”, “Ai nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Phật”, ‘Vô pháp khả thuyết mới gọi là thuyết pháp” … những lời trên sao ông đó không dẫn chứng?
Nay bất cứ dẫn chứng cách nào đều là niệm, đều có sanh khởi, Phật nói vô thỉ, cũng là nghĩa vô sanh. Nếu có sanh khởi tức có bắt đầu, nhưng bất cứ dùng nghĩa lý cao siêu nào cũng chẳng thể thành lập lý bắt đầu, nên nói vô sanh.
Trước kia tôi có giảng cuốn Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải, Tịch là phủ định, là quét sạch, phàm có nghĩa giải đều không đúng. Do người đời dẫn chứng cuốn Tín Tâm
Minh để luận đàm, nghịch với ý chỉ Tín Tâm Minh, tức phỉ báng Tổ Tăng Xán, nên ngài Trung Phong mới viết bài Tịch Nghĩa Giải. Vì con người ham nghĩa giải, nên ở
Nhật có cuốn Thiên Học Đại Thành, chỉ trích ra các đoạn nghĩa giải, còn phần tịch nghĩa giải thì không in ra, ấy là nghịch với ý của Tổ vậy.
Ví dụ: Câu đầu tiên của bài Tín tâm Minh là: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”.
Nghĩa giải rằng: Chí đạo là tự tánh, tức đạo cùng tột của Phật tánh. Muốn đạt đến đạo cùng tột của Phật tánh chẳng phải là khó, chỉ do lựa chọn nên mới thành khó. Trên đây là giải thích theo mặt chữ.
Bốn câu kệ kết thúc của ngài Trung Phong:
Chí đạo chớ nên chê lựa chọn,
Chớ cho lựa chọn đoạ phàm tình.
Cần phải đâm mù mắt mẹ đẻ,
Ban ngày đốt đèn đọc bài Minh.
Đâu có gì để cho giải thích suy nghĩ! Nay tôi đang dịch cuốn Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải, sau này xuất bản, để cho quí vị thấy được bản lai diện mục của Tín Tâm Minh.
Hỏi: Tham Thiền Cảnh Ngữ nói “Khi nghi tình phát khởi, tương ứng với lý pháp thân”, tại sao lại phải cắt đứt mạng căn?
Đáp: Tham Thiền Cảnh Ngữ nói “phát chơn nghi” tức đến được thoại đầu, mới là phát chơn nghi, chưa đến thoại đầu là chưa phát được nghi tình. Sự thật, nếu công phu đến thoại đầu thì câu thoại tự mất. Còn nói đến pháp thân thì người nào cũng đầy đủ pháp thân, đâu có mất, đâu có ngưng? Vì con người ham fùng tâm suy nghĩ so đo, cho là phải như vậy và chẳng phải như vậy, tức tự làm ra đây trói buộc mình. Cho nên, phải nhìn ngay chỗ một niệm chưa sanh khởi. (Sư phụ giảng về cuộc sống trong nhất niệm vô minh, xem trang 57).
Hỏi: Giáo môn nói “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức biến hiện”, còn Thiền tông nói “Tức tâm tức Phật”, hai nghĩa này có giống nhau không?
Đáp: Không khác. Có người hỏi Mã Tổ, Tổ trước thì đáp “Tức tâm tức Phật”, sau thì nói “Phi tâm phi Phật”, rồi một vị Tăng hỏi: “Sao trước nói tức tâm tức Phật, sau nói phi tâm phi Phật?” Mã Tổ trả lời: “Vì muốn gạt cho con nít nín khóc”.
Bây giờ nói muôn pháp duy tâm hay muôn pháp duy thức cũng vậy.
Trong Phật tánh của mình tất cả đều sẵn sàng mà không có mấy thứ này, do con người bày ra những thứ này mới che khuất Phật tánh, gọi là “ứng dụng hằng ngày mà chẳng tự biết”. Vì đã dùng cái biết của nhất niệm vô minh, thì làm sao hiển bày cái biết của Phật tánh.
Hỏi: Khi con nhìn vào chỗ không biết thì rõ ràng là “bổn lai vô nhất vật”, chẳng có vọng tưởng cũng chẳng có vọng niệm phải không?
Đáp: Không phải. Bất cứ thấy cái gì đều không phải. “Bổn lai vô nhất vật” của Lục Tổ là để phá bài kệ của Thần Tú, chứ bổn lai vốn chẳng phải vô nhất vật, cũng chẳng phải hữu nhất vật. Hữu vô là tương đối, cái bổn lai chẳng phải tương đối, đã có một niệm thấy “bổn lai vô nhất vật” là niệm đã biết rồi, chứ chẳng phải là không biết.
Hỏi: Hàng xuất gia chúng con cứ mỗi năm nhập Hạ thì được một tuổi Hạ, vậy tuổi Hạ này ai chứng minh cho chúng con?
Đáp: Đâu cần ai chứng minh, vào kiết Hạ đã là chứng minh rồi! Sở dĩ nhập Hạ là vì trong mùa Hạ có nhiều côn trùng ở trên đường, nếu chúng ta đi, dễ đạp nhằm chúng khiến sát sanh. Lại nữa, mùa Hạ ở Ấn Độ quá nóng bức, bất tiện cho việc đi khất thực. Do nhiều nguyên nhân, nên Đức Phật cho ba tháng hạ cấm túc, ấy là thích ứng ở Ấn Độ, nhưng vì Phật đã cho thực hiện như thế, đã ghi vào giới luật thì nơi khác cũng thực hiện theo.
Hỏi: Vậy tham Tổ Sư Thiền không nhập Hạ thì không có tuổi hạ ư?
Đáp: Hạ cũng là tuổi Lạp, tho giới được một năm thì được một tuổi hạ. Tất cả tu sĩ đầu phải nhập Hạ, cũng có một số du Tăng ngày thường đi khắp mọi nơi, không
tụ tập một chỗ; chỉ có ba tháng Hạ là tụ chúng chuyên tu, bắt buộc phải tu trong ba tháng Hạ, ấy cũng là một việc hữu ích để nhắc nhở cho sự tu.
Hỏi: Con tưởng là phải nhập Hạ rồi mới có tuổi hạ?
Đáp: Nếu la ngươi chân tu thì ngày nào cũng như ngày nấy, suốt năm đều là Hạ. Cũng như hành giả tham Thiền, chẳng phải chỉ có chín mươi ngày là Hạ, Tổ sư nói: “Ngay từ bắt đầu tham là nhập Hạ, đến khi kiến tánh mới giải Hạ”. Nếu chưa kiến tánh thì chưa giải Hạ.
Hỏi: Con vốn chuyên tu niệm Phật trì chú, cũng tham thiền “Lục Diệu pháp môn” do Hòa Thượng Thanh Từ hướng dẫn, nhưng cũng gặp những chướng ngại về sự ma chay do nhu cầu của Phật tử xin tụng kinh bái sám. Vậy không biết khi thực hành theo Pháp môn Tổ Sư Thiền, có gặp những trở ngại như trên không?
Đáp: Các Phật sự cứ việc làm, bất kể làm nghề nghiệp gì cứ làm, trong lịch sử Thiền tông, ông vua kiến tánh vẫn làm vua, Thừa tướng kiến tánh vẫn làm Thừa tướng, bộ trưởng, tỉnh trưởng, cho đến bà cụ tay bưng vai gánh, bán rong ở ngoài đường, kiến tánh rồi vẫn y như cũ. Làm nghề tụng kinh cứ tụng kinh, nhưng đừng quên thoại đầu, đừng cho nghi tình gián đoạn là được, chẳng có gì trở ngại.
Hỏi: Kiến tánh rồi đi về đâu?
Đáp: Phật tánh của tất cả chúng sanh, người nào cũng cùng khắp không gian thời gian, đã cùng khắp thì đâu thể chỉ ra? Khi đã kiến tánh rồi, đâu còn đi về đâu? Có đi về đâu “ắt chưa cùng khắp”. Ví như người đời luyện tập thần thông, từ đây bay qua Mỹ cần năm phút, nhưng đó chẳng phải thần thông sẵn có của Phật tánh. Thần thông của Phật tánh khắp không gian, chẳng cần bay, muốn hiện chỗ nào cũng được, phải tự tin rằng mình đã sẵn đủ tất cả.
Hỏi: Nếu tự có sẵn nghi tình, lấy đó tham tiếp mà không chọn những câu thoại trong sách, được không?
Đáp: Nếu đã có nghi tình từ nhỏ, đối với vũ trụ vạn vật hay đối với việc của mình, đã thắc mắc rồi, lấy đó để tham cũng được! nhưng phải chẳng thể giải thích, chẳng thể tìm hiểu mới được. Nếu có thế dùng một lý lẽ nào đó, hoặc dùng Phật pháp để giải ra đáp án thì không được.
Hỏi: Tại sao gọi người đã kiến tánh là Tổ chứ chẳng gọi là Phật?
Đáp: Sau khi chứng Diệu Giác mới gọi là Phật, người kiến tánh rồi cao nhất là đến Đẳng giác, tức chưa đến Diệu giác, vì tập khí xuất thế gian vẫn còn. Lại nữa, phàm phu kiến tánh, tập khí thế gian vẫn còn, làm sao gọi là Phật. Đến quả Diệu Giác, tập khí thế gian lẫn xuất thế gian đều sạch, bản thể của Phật tánh luôn hiện hành khắp không gian thời gian. Còn chư Tổ thì tập khí thế gian còn chưa dứt sạch, huống là tập khí xuất thế gian ! Nên chỉ được gọi là Tổ, không thể gọi là Phật, mặc dù đã kiến tánh thành Phật. Bây giờ chưa kiến tánh cũng đã thành Phật rồi, “Tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”, ấy là lời nói của Phật trong Kinh Viên Giác.
Hỏi: Tham Thiền có cần tụng giới không?
Đáp: Theo giới luật thì tu pháp môn nào cũng phải có giới luật, nửa tháng bố-tát một lần. Bố-tát không phải chỉ tụng giới, trước khi tụng phải kiểm thảo, tự kiểm thảo mình trong nửa tháng nay có phạm giới không? Nếu có, phải ra sám hối trước đại chúng. Sám hối xong, tội phạm giới mới sạch, mới có tư cách nghe tụng giới.
Nếu người phạm giới không tự ra sám hối trước đại chúng, thì người ở chung phải ra cử tội, nếu không ra cử tội, sau này bị phát hiện thì người phạm và người không cử tội sẽ bị cùng một tội vì che giấu. Hồi xưa, bố-tát quyền giới cho cả Sa-di và Bồ tát, sau này mới lập riêng giới đàn. Cho nên, bố-tát không có nghĩa là chỉ tụng giới mà thôi.
Hỏi: Tu sĩ phạm tội Ba-la-di có thể sám hối được không?
Đáp: Sau khi phạm tội Ba la đi, phải trong nửa tiếng báo cáo Tăng Đoàn, Tăng đoàn mới hứa khả cho sám hối nhưng chưa phải như thế là nhất định được sám hối. Vì theo pháp Yết-ma, muốn sám hối tội Ba-la-di phải hai mươi vị Tỳ-kheo, người xin sám hối phải săn sóc hai mươi vị đó trong nửa tháng, về cuộc sống hằng ngày cho đầy đủ. Nếu hai mươi vị đều cảm thấy người đó thành tâm muốn sám hối, đóng ý cho sám hối thì mới thành lập được; nếu trong đó có một vị không đồng ý, cũng chẳng thể tổ chức sám hối.
Hỏi: Sở dĩ Đức Phật chế định giới luật cũng là căn cứ theo luật pháp nhà nước ví như giới Ba-la-di, cũng bằng như luật tử hình của nhà nước, phải không?
Đáp: Phật tử vi phạm luật pháp của nhà nước, tức vi phạm giới luật của nhà Phật, đó là do Đức Phật muốn sự hoàng pháp đến nước nào cũng được hoan nghinh. Tỳ kheo có bốn giới Ba-la-đi và Tỳ kheo ni có tám. Tội Ba-la-di, cũng bằng tội tử hình của nhà nước, nhưng tội tử hình của nhà nước có xử tử thật, còn tử hình bên nhà Phật chỉ là kiếp này không được làm Tỳ-kheo nữa, coi như vị Tỳ-kheo đó đã chết. Nếu xin sám hối mà được chấp nhận, chỉ giữ được Sa-di, nếu sám hối không được, thì luôn cả Sa-di cũng không còn, phải đợi kiếp sau bắt đầu lại
Hỏi: Luật pháp Nhà nước thời nay có nhiều châm chước thuyên giảm, vậy giới luật nhà Phật có thể ứng dụng như thế nào để phù hợp theo thời đại không?
Đáp: Giới luật nhà Phật cũng có phần linh động, nhưng thuộc về phần Giá giới, còn về Tánh giới thì không được. (Sư phụ giảng về Tánh giới và Giá giới, lược qua).
Về tánh giới, nếu đã phạm thì có tội phá giới, nếu chưa thọ giới cũng phải có tội nhân quả. Tội phá giới thì sám hối có thể hết, ví như tội phá giới Ba-la-đi phải đoạ địa ngục chín triệu năm, hễ sám hối là hết, còn tội nhân quả thì không thể sám hối được, nhân nào quả này.
Có người nói “Vậy thì không thọ giới tốt hơn, chỉ phải chịu tội nhân quả, khỏi bị hai lớp tội”. Sự thật, người có thọ giới phải để ý về vấn đề giữ giới, nên tội nhân quả cũng ít, người không thọ giới hằng ngày cứ theo thói quen mà làm, dễ phạm phải tội nhân quả.
Hỏi: Tại sao Thiền sư Bác Sơn nói “Công phu khẩn mà không chánh thì uổng dụng công, chánh mà chẳng miên mật thì không thành dung hoát, chẳng dung hoát thì không tương ưng, chẳng tương ưng thì không thể nhập, và không thể hóa cảnh?”
Đáp: Việc đó là lẽ dĩ nhiên rồi, vì công phu không miên mật tức có kẻ hở, vọng tưởng phiền não từ đó nổi lên, làm sao dung hoát! Làm sao nói là khẩn, là chánh? Hóa cảnh tức dung hoát.
Hỏi: Vậy còn các từ “Chuyển thân nhã khí”, “Chuyển vị khai cơ”, “Hồi quang phản chiếu …” là như thế nào?
Đáp: (Sư phụ kể về câu chuyện một ngoại đạo có thần thông và xá lợi, không bằng đáp được một câu chuyển ngữ của Thiền sư, xem trang 19).
Tại sao Thiền tông chú trọng câu chuyển ngữ? Vì bản thể của tự tánh là vô sở trụ, chuyển ngữ tức là lời vô sở trụ. Chỉ cần đáp được một chuyển ngữ là thầy biết người trò đó đã kiến tánh và ấn chứng liền. Nay chưa kiến tánh, cứ đuổi theo lời nói có sở trụ, trả lời cho hợp lý đúng nghĩa, nhưng đó chẳng phải chuyển ngữ. (Sư phụ kể về câu chuyện bà già đốt am, lược qua), “Chuyển thân nhã khí”, “Đè hồ lô trên nước” v.v… đều là những câu vô sở trụ.
Hỏi: Thế nào là “Ngôi học còn dính bụi?”
Đáp: “Ngôi học còn dính bụi, cực sáng tức Như Lai”, đó là bài kệ trong Kinh Lăng Nghiêm, tả về biển giác của Tự tánh. Theo cuốn Hoa Nghiêm Hợp Luận, tác giả Lý
Thông Huyền là một cư sĩ kiến tánh, nói: Sơ tâm Bồ tát vì lòng tin chưa vững chắc, được thấy biết ít phần pháp thân Như Lai chẳng đoạn diệt, chẳng khứ lai. Chẳng đoạn diệt tức khắp thời gian, chẳng khứ lai tức khắp không gian, nhưng Bồ tát này còn chưa thể lìa sự phân biệt vi tế, nên chỉ thấy thô dụng, chưa vào được ngôi pháp thân.
Tiến thêm một bước, Tịnh tâm Bồ tát hơn Sơ tâm Bồ tát, nhưng còn thấy vi tế dụng. Như thế đần dần tiến lên, đến bậc Bồ tát cứu cánh, mới hết thấy vi tế dụng, gọi là thân thọ dụng.
Vì còn có nghiệp thức, nên thấy tâm có thọ dụng, nếu lìa nghiệp thức thì chẳng thể thấy. Tại sao? Vì tất cả Như Lai đều là pháp thân, pháp thân chẳng có sắc tướng sai biệt để thấy nhau, nên chẳng thể thấy. Tại sao hết thảy vi tế dụng gọi là thân thọ dụng? Vì còn có thân thọ dụng để biết sự hết thấy, vẫn là tướng vi tế của nghiệp thức. Các bậc hữu học và vô học còn dính mắc với tướng vi tế này, như tấm gương còn dính bụi, nên nói “Ngôi học còn dính bụi”.
Nếu nghiệp thức vi tế đã sạch, chẳng thấy có sự thọ dụng, gọi là Pháp thân Như Lai. Vậy bụi sạch thì gương sáng tỏ nên nói “Cực sáng tức Như Lai”.
Đối với câu “Phản văn Tự tánh văn”, nhiều người còn hiểu sai về câu này, nên tôi ghi chú thêm:
Nếu chấp cái nghe là thật thì không nghe ngoài phải nghe trong, không nghe động phải nghe tịnh; nghe trong ngoài động tịnh đều là bỏ gốc theo ngọn, nên gọi là cái nghe điên đảo. Nay xoay cái nghe điên đảo này về chánh, chánh thì chẳng có năng nghe sở nghe, mới gọi là phản văn, cũng là bản tánh văn. Nghịch cảnh trần, hợp giác tánh, mới gọi là chánh. Đã trớ về bản tánh văn, tức thấy bản lai diện mục của Phật tánh, cũng là tánh văn này, liền thành Vô thượng Bồ đề.
Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: Do có lục trần mới phát ra cái tri, vì có lục căn mới hiện ra tướng này tướng kia, nên nói “Do trần phát tri, nhân căn hữu tướng”. Nếu không có lục trần thì kiến văn giác tri đặt ở chỗ nào? Chẳng thể sanh ra được.
Lục trần lục thức sanh lẫn nhau, cũng như con gà với trứng gà; chẳng có lục trần thì lục căn không có đối tượng để đặt. Lại nữa, chẳng có lục căn thì không thể biết đến lục trần, những cái biết phải có lục trần mới có thể sanh khởi. Chúng sanh điên đảo, cho những thứ đó là của mình, nên Đức Phật mới ở trong Bát Nhã Tâm Kinh dùng chữ VÔ để quét sạch lục căn, lục trần, lục thức.
Hỏi: Tịnh khẩu có ích lợi gì không?
Đáp: Chẳng những không có lợi ích, lại còn có hại, vì làm cho mình tu không được.
Hỏi: Kiến tánh là gì?
Đáp: Đợi ông kiến tánh rồi thì biết.
Hỏi: Trong bốn tội Ba-la-di, trường hợp tứ chúng biết được người ấy phạm tội, báo lên vị Trụ trì, Trụ trì không cử tội thì tứ chúng có lỗi không?
Đáp: Bây giờ đâu có Tăng đoàn để cử tội? Lại nữa, trong Phật pháp rất linh động, cái nào cần cử tội mới cử tội, những việc không cần cử tội, chỉ cho trách tâm sám. Đức Phật hoàng dương Phật pháp, muốn cho thiên hạ đều tôn trọng Phật giáo, tôn trọng tăng ni, Phật tử chơn chánh hoặc thọ ngũ giới hay Bồ tát giới. Cho nên, giới Bồ tát không cho nói lỗi của tứ chúng; Tỳ-kheo-ni nói lỗi của người khác cũng phạm tội Ba-la-di. Lại nữa, đối với những người trong Phật giáo hoằng pháp rộng, nhiều người biết tên tuổi, thì trong giới luật không cho cử tội. Tại sao? Vì sợ ảnh hưởng uy tín của Phật giáo. Mặc dù không cho cử tội, nhưng nếu họ phạm Ba-la-di, tội địa ngục phải chín triệu năm chứ không bớt được.
Hỏi: Như hiện giờ một vị có trọng tội, chúng đã phát hiện, người đó chẳng những không sám hối, vẫn sống bình thường như người không phạm, vẫn đắp áo Cà sa, vậy là thế nào?
Đáp: Trong giới luật có hơn 130 thứ Yết-ma, pháp Yết- ma của Phật giáo rất kỹ, mỗi thứ Yết-ma làm về việc gì, phải có bao nhiêu người, hai mươi người, mười người, năm người hoặc hai người … Hai người gọi là “đối thủ Yết-ma”, tức không có ai ngoài hai người đó biết. Yết- ma xử tội, phải thấy, nghe hoặc nghi, rồi phải có bằng chứng, bằng chứng có thể mời một nữ cư sĩ ra làm chứng, mà cư sĩ đó phải được Tăng đoàn mời, nếu không được mời mà tự ra làm chứng là phạm giới.
Nay không có Tăng đoàn, không có Yết-ma để xử tội, thì làm sao phán đoán là người ấy có tội? Còn những người phạm thượng, tự đã có tội trước, lại công khai nói tội của người khác, là phạm giới. Vì giới Bồ tát không cho nói lỗi của tứ chúng. Nếu muốn nói cũng được, nhưng chỉ có hai người không có người thứ ba, rồi mình khuyên người đó.
Hỏi: Nếu bằng chứng đã có, hai người đã khuyên với nhau, nhưng người ấy vẫn không sửa đổi?
Đáp: Ai xử cho người đó có tội? Người ta phải tổ chức Yết-ma rồi xử tội hoặc trong lúc bố-tát, báo cáo với vị chủ tịch được chúng cử ra để xử tội, đâu phải người nhỏ xử tội người lớn được? Nhỏ mà nói lỗi của người lớn, tự mình còn có lỗi nữa!
Tại sao giới luật của Tỳ -kheo và Tỳ-kheo-ni không cho người chưa thọ giới nghe và xem? Sa-di, Thức xoa không được nghe và xem giới Tỳ-kheo-ni, nhưng Tỳ- kheo phải biết giới của Tỳ-kheo-ni. Vì trong giới luật có ghi về pháp Bát kỉnh của Tỳ-kheo-ni, mỗi nửa tháng phải mời Tỳ-kheo đến dạy, cho nên, Tỳ-kheo phải thông suốt giới luật của Tỳ-kheo-ni.
Chưa thọ giới Tỳ-kheo không được xem giới Tỳ- kheo, vì sợ khi biết rồi phỉ báng Tỳ-kheo, cho Tỳ-kheo này là phạm giới, là tự mình tạo tội. Tỳ-kheo phạm giới tự phải chịu tội, bởi vì người nào cũng có sai sót. Có phạm, phạm rồi có sám hối, hễ sám hối là hết tội phá giới. Nếu người chưa thọ giới nói lên lỗi đó, chẳng những làm mất uy tín của Phật Giáo, lại phạm tội nói lỗi tứ chúng. Nay có nhiều người tự ỷ thông minh lanh lợi, phỉ báng người cao hơn, ấy là tự tạo lỗi vậy.
Hỏi: Tại các chùa có từ bốn vị Tỳ-kheo trở lên phải tác pháp Yết ma, ấn định cương giới, sau đó làm Phật sự mới đúng pháp, phải không?
Đáp: Phải. Theo pháp Yết-ma trong giới luật ấn định, bất cứ cái gì, đều phải qua pháp Yết-ma. Nhưng nay ở Việt Nam, chỉ có truyền giới hoặc bố-tát, kiết Hạ mới qua Yết-ma, những Yết-ma của bố-tát cũng không đủ, chỉ là tụng giới.
Hỏi: Tham thoại đầu với Bát nhã Ba La Mật có tương ưng không?
Đáp: Bát nhã dịch là trí huệ, nhưng chẳng phải trí huệ của bộ não, không qua bộ não, là trí huệ của Tự tánh. Tổ Sư Thiền là muốn hiển bày trí huệ của Tự tánh. Tên gọi Bát nhã chỉ là một trong muôn ngàn tên gọi. Vì bản thể của Phật tánh cùng khắp không gian thời gian, nên sự dụng của Phật Tánh cũng cùng khắp, chẳng số lượng, chỉ tùy dụng mà lập danh:
Vì Phật tánh khắp không gian chẳng khứ lai, nên gọi là Như Lai, đúng như Bản lai; cùng khắp thời gian, không gián đoạn, sanh diệt, nên gọi là Niết bàn, vì muốn hiển bày cái dụng vô sở trụ, nên gọi Vô trụ; vô trụ thì không có chỗ, không có lúc, nên gọi Tánh không … Mặc dù tên gọi có khác, nhưng thể dụng chẳng khác.
Hỏi: Sự dụng của chư Phật, chư Tổ có khác nhau không?
Đáp: Luôn cả sự dụng của cô, với chư Phật chư Tổ cũng chẳng khác; không những là cô, luôn cả các loài động vật cũng chẳng khác. Đã là bất nhị, thì thân Phật, thân Bồ tát, thân người, thân động vật dù khác, nhưng Phật tánh chẳng khác.
Hỏi: Tại sao chư Phật, chư Tổ một nghe ngàn ngộ, mà chúng con được Sư phụ khai thị nhiều vẫn chưa được ngộ? Và Sư phụ chưa chỉ đinh một vị nào sau này nối tiếp Sư phụ?
Đáp: Chưa kiến tánh là tại mình chưa chịu đi, nếu có tâm quyết tử như chư Tổ mới mau được. Nay mặc dù chưa kiến tánh nếu thực hành đầy đủ, đúng pháp, cũng đã gieo chánh nhân, kiếp này chưa ngộ, kiếp sau cũng tiếp tục. Tôi thì chưa kiến tánh, chỉ là biết được đường lối thực hành của chư tổ và chuyển dạy cho quý vị. Mọi người cứ tiếp tục theo đường lối đó tu hành là đủ.
Hỏi: Ngài Lai Quả nói “đánh chết người phạm qui củ!”, vậy có phải thiếu lòng từ bi và phạm tội sát sanh không?
Đáp: Dùng hương bảng đánh người phạm qui củ là tỏ lòng từ bi rất thiết tha. Ngài nói trong Tham Thiền Phổ Thuyết và giải nghĩa rất kỹ: Sở dĩ đánh là muốn đưa tới giác ngộ giải thoát tất cả khổ. Ấy là lòng từ bi không gì so sánh bằng.

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH DUY LỰC

c8c6b693b5a420c9f2658ad5

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH DUY LỰC

A.- THỜI THƠ ẤU

Sư họ LA húy DŨ hiệu DUY LỰC, tự GIÁC KHAI sanh ngày 05 tháng 05 năm 1923 tại làng Long Tuyền, huyện Bình Thủy, tỉnh Cần Thơ, Việt Nam. Cha là cụ ông La Xương và mẹ là cụ bà Lưu Thị, làm nghề nông.
Năm lên 7 tuổi, theo cha về quê sống tại làng Long Yên, huyện Phong Thuận phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp trường tiểu học, thì Sư phải nghỉ học theo cha trở lại Việt Nam sinh sống, lúc đó Sư được 16 tuổi (1938). Trú tại tỉnh Cần Thơ.
Sư thường tranh thủ tự học trong lúc rỗi rảnh. Đến năm 26 tuổi (1948), thi đậu bằng giáo viên Hoa văn, từng cộng tác biên soạn cho tờ báo Viễn Đông tiếng Hoa tại Chợ Lớn và được mời dạy ở các trường tiểu học tỉnh Tà-keo Cao Miên (Nay là Campuchia), trường Khải Trí ở Cần Thơ, Trường Cái Vồn ở Vĩnh Long trong thời gian 10 năm. Năm 1958, sau khi thi lấy bằng Đông y sĩ cấp 1, Sư được mời làm đông y sĩ cho tiệm thuốc Tế Ngươn Đường Cà Mau, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm tỉnh Cần Thơ để khám bệnh miễn phí cho dân trong thời gian 8 năm.
Trong tủ sách của Cư Sĩ Lâm có bộ Kinh Tục Tạng gồm 150 quyển, lúc đầu Sư định đọc hết toàn bộ, nhưng trải qua một năm chỉ xem được 7 quyển, sau quyết định chỉ xem phần Thiền tông. Lúc đó Sư theo Pháp sư DIỆU DUYÊN tham học Tổ Sư Thiền (Ngài Diệu Duyên đã nhiều năm thân cận Lai Quả Thiền Sư và Hư Vân Thiền Sư, và Ngài tịch vào năm 1976 tại Chùa Thảo Đường).

B.- THỜI KỲ XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Vào Mùng 08 tháng 02 năm 973, Sư được Hòa Thương HOẰNG TU cho xuất gia tu học tại Chùa Từ Ân Quận 11 Chợ Lớn. Tháng 05 năm 1974, Sư thọ giới Tam Đàn Cụ Túc tại Chùa Cực Lạc Malaysia.
Từ đó sư chuyên tham câu thoại đầu “Khi chưa có Trời đất ta là cái gì” trải qua nhiều năm, một hôm do đọc quyển “Trung Quán Luận” đến câu “Do có nghĩa KHÔNG nên thành tựu tất cả pháp” đốn ngộ ý chí “TỪ KHÔNG HIỂN DỤNG”, lại tỏ ngộ câu “KHÔNG sanh nơi đại giác, như biển nổi hòn bọt, vô số nước hữu lậu đều từ KHÔNG sanh khởi trong Kinh Lăng Nghiêm, với ý “Lấy VÔ TRỤ làm gốc” của Ngàí Lục Tổ: “Từ gốc VÔ TRỤ lập tất cả pháp” của Ngài Duy Ma Cật vốn cùng một ý chỉ. VÔ TRỤ tức TÁNH KHÔNG, thể Chơn Như vốn KHÔNG mà tự hiển bày sử dụng; thể và dụng của Chư Phật với chúng sanh vốn chẳng hai chẳng khác, cùng khắp không gian thời gian, nơi thánh chẳng thêm, nơi phàm chẳng bớt, dù là phàm phu mà sức dụng của Phật Tánh chẳng kém hơn Phật, cũng chẳng từng gián đoạn, chỉ vì chúng sanh ứng dụng hàng ngày mà chẳng tự biết.

C.- THỜI KỲ HOẰNG PHÁP

Ngày mùng 02 tháng 04 năm 1977, thừa lệnh Hòa Thượng Bổn sư (Hòa Thượng Thích Hoàng Tu), Sư ra hoằng pháp Tổ Sư Thiền tại Chùa Từ Ân, đường Hùng Vương, Quận 11 TP.HCM. Đến năm 1983, tứ chúng qui tụ ngày càng đông, Phật tử theo tu học pháp Tổ Sư Thiền hơn 4000 người, mỗi lần tham dụ thiền thất đều vượt trên 300 người.
Từ những năm 1990, Sư thường đi giảng Thiền ở nhiều nơi trên thế giới. Đến thiền đường học đạo có người Tây Âu và Á Châu, trong đó người Việt Nam là đông nhất. Những năm cuối đời, Sư thường được thỉnh đến giảng tại các nước trên thế giới như: Chùa Chánh Giác ở Toronto Canada, Chùa Quan Âm ở Brisbane Australia, Tịnh xá Đại Bi ở Đài Loan và một số chùa ờ Hồng Kông. Nhất là các thiền đường ở Mỹ để giảng dạy pháp Tổ Sư Thiền và thính chúng lui tới đông đảo.

D.- CÁC KINH SÁCH TRƯỚC TÁC VÀ PHIÊN DỊCH

Ngoài ra Sư còn trước tác và dịch thuật từ tiếng Hán sang tiếng Việt hơn 20 loại kinh điển và ngữ lục. Lượng sách phát hành tại Việt Nam trên mấy mươi ngàn quyển.
Các kinh sách được phát hành bao gồm:
– Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền.
– Kinh Lăng Nghiêm.
– Kinh Lăng Già.
– Kinh Pháp Bảo Đàn.
– Kinh Viên Giác.
– Kinh Duy Ma Cật.
– Phật Pháp vời Thiền Tông.
– Đại Huệ Ngữ Lục.
– Đại Thừa Tuyệt Đối Luận.
– Tham Thiền Cảnh Ngữ.
– Công án của Phật Thích Ca & Tổ Đạt Ma.
– Góp Nhặt Lời Phật Tổ và Thánh Hiền.
– Bá Trượng Quảng Lục và Ngữ Lục.
– Thiền Thất Khai Thị Lục.
– Truyền Tâm Pháp Yếu.
– Cội Nguồn Truyền Thừa và Phương Pháp Tu Trì của Thiền Tông.
– Danh Từ Thiền Học.
– Chư Kinh Tập Yếu
– Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải.
– Vũ Trụ Quan Thế kỷ 21.
– Yếu Chỉ Trung Quán Luận.
– Triệu Luận.
– Yếu Chỉ Phật Pháp v.v…
Dù ở cương vị nào và bất cứ nơi đâu, Sư đều tùy duyên giảng dạy, như: Tổ chức Thiền thất tại Chùa Từ Ân quận 11, Chùa Hưng Phước quận 3; Chùa Pháp Thành quận 6, Chùa Sùng Đức quận 6, Chùa Huệ Quang quận Tân Bình, và tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Đại Tòng Lâm Bà Ria Vũng Tàu, tỉnh Khánh Hòa, Bình Định v.v…

Đ.- THỜI KỲ THAM GIA PHẬT SỰ GIÁO HỘI

Đến năm 1998, Sư đã được Ban Hoàng Pháp Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, mời thỉnh làm ủy viên, được Giáo hội thỉnh giảng tại các Khóa Bồi Dưỡng Hoàng pháp ngắn hạn cho các tỉnh miền Trung tổ chức tại Bình Định, cho các tỉnh Miền Nam tại Văn Phòng 2 Trung ương Giáo Hội.

E.- THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Sự biện tài vô ngại, tùy duyên hóa độ và tận tụy với Hoằng pháp lợi sanh, chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc. Người xưa có nói “Bồ Tát dĩ lợi sanh vi bổn hoài”, thật khế hợp với Sư biết bao.
Hóa duyên ký tất, Sư thâu thần thị tịch lúc 01 giờ 30, ngày 02 tháng 12 năm Kỷ Mão (08-01-2000) giờ Việt Nam, trụ thế 77 năm.

KHÁI QUÁT VỀ LUẬT HỌC PHẬT GIÁO – THÍCH TIẾN ĐẠT

Khi tiến hành nghiên cứu luật học thì nhất thời không dễ gì giải quyết vì lúc đức Phật còn tại thế, đích thân Ngài chế định giới luật rất nhiều. Sau khi Phật diệt độ, trải qua bao nhiêu thời đại thay cũ đổi mới, trong khoảng thời gian đó, tuy căn bản giới luật không thay đổi nhưng do sự truyền tập ban đầu và tiếp tục theo đó có sự bổ sung, hiệu đính rồi sau nữa do ý kiến bất đồng mà phát sinh sự phân chia.

KHÁI QUÁT VỀ LUẬT HỌC PHẬT GIÁO

I. Khái niệm về luật học:

Luật học hay giới luật học là môn học thuộc về hành môn, nhằm nghiên cứu và thực hành về giới luật do đức Phật chế định cho các đệ tử, nhằm thực hiện mục đích lý tưởng giải thoát giác ngộ, xây dựng, củng cố và phát triển Tăng đoàn hoà hợp, thanh tịnh làm cho chính pháp được truyền bá rộng rãi và trường tồn mãi mãi.

Luật là một từ dịch nghĩa của Trung Quốc. Về Phạn ngữ vốn có 3 tên gọi khác nhau:

1. Tỳ-ni hay Tỳ-nại-da (Vinaya): Trung Quốc dịch là Luật, Diệt, Điều phục, Thiện trị (chính dịch là Luật). Luật là pháp cấm chế, lấy đó làm chuẩn mực thì “Diệt” trừ được các điều ác, “Điều phục” phiền não, “Thiện trị” thân tâm mà được thanh tịnh. Sách “Tứ Phận giới sớ” nói: “Luật là pháp, từ giáo mà thành tên; quyết đoán khinh trọng khai gia trì phạm, không pháp nào không xác định nên thuộc chính dịch”.

Tiếng Phạn là Ưu-bà-la-xoa (Uparaksa) mới chính dịch là Luật. Sách “Đại thừa nghĩa chương” giải thích như sau: “Luật, nước ngoài gọi là Ưu-bà-la-xoa, Trung Quốc dịch là Luật, có hai nghĩa: Một là luận theo giáo; hai là biện minh theo sự tu hành. Nếu theo giáo giải thích, cân nhắc thì gọi là Luật. Nếu theo sự tu hành thì điều phục gọi là luật. Giáo pháp của Tỳ-ni giải thích rõ sự tu hành của luật này nên gọi là Luật, lại sinh ra sự tu hành theo luật nên gọi là Luật”.

Luật là pháp cấm chế của Phật, dựa vào pháp luật mà giải thích cân nhắc khinh trọng, phân biệt phạm, không phạm cho nên Ưu-bà-la-xoa theo giáo nghĩa mà dịch là Luật. Nếu nhờ vào luật mà điều phục phiền não, diệt trừ điều tội lỗi sai trái xấu ác thì Tỳ-nại-da theo sự tu hành mà dịch là luật. Trong thực tế các kinh luận phần lớn dùng Tỳ-nại-da (Tỳ-ni) để gọi luật nên luật tạng được gọi là Tỳ-nại-da tạng hay Tỳ-ni tạng mà không gọi là Ưu-bà-la-xoa. Lấy luật làm giáo pháp do ở công năng phòng ngừa (phòng phi chỉ ác) và chữa trị (thiện trị thân tâm), dựa vào công năng thiện thắng làm tên nên phần lớn gọi Tỳ-ni là Luật.

2. Ba-la-đề-mộc-xoa (Pratimoksa): Trung Quốc dịch là Biệt giải thoát, từ nơi nhân mà có tên này. Giới của bảy chúng đệ tử Phật, thông thường được gọi là Giới biệt giải thoát vì có năng lực phòng ngừa, đình chỉ từng điều sai trái nên gọi là Biệt. Mặt khác do trì giới mà tránh được tội lỗi, sai trái và giải thoát các điều ác. Lại do trì giới mà được hai quả giải thoát hữu vi và vô vi nên gọi là Giải thoát.

Biệt giải thoát chính là sự giải thoát tuỳ thuộc và số giới điều được tuân giữ. Nghĩa là giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều; giữ ít thì giải thoát ít; giữ giới trọn vẹn thì giải thoát trọn vẹn. Bởi vì mỗi một điều giới mà đức Phật chế định có khả năng ngăn chặn, loại bỏ một loại hành vi bất thiện (phiền não) nào đó, không cho nó len lỏi hoặc xâm nhập vào nội tâm của hành giả.

Ba-la-đề-mộc-xoa còn dịch là Xứ xứ giải thoát hoặc Tuỳ thuận giải thoát. Bởi giới là nguồn gốc (nơi chốn) phát sinh ra các thiện pháp công đức, nó là chỗ an ổn nhất của mọi chúng sinh để đi đến mục đích giải thoát. Còn tuỳ thuận giải thoát tức là sự giải thoát tuỳ thuận vào tâm của hành giả hướng đến quả hữu vi hay vô vi, quả thế gian hay xuất thế gian.

Kinh “Xá-lợi-phất vấn” giải thích: “Ba-la-đề-mộc-xoa nghĩa là tối thắng. Gốc của các điều lành lấy giới làm căn bản, nhiều công đức thiện pháp được sinh ra nên gọi là thắng nghĩa. Lại nữa, giới có hai loại: Một là dựa vào thân khẩu, hai là dựa vào tâm”. Luật nghi của 7 chúng đều phòng ngừa, đình chỉ điều quấy ác của 7 chi tội ở thân và miệng. Điều này tuy thô thiển nhưng lại là căn bản, vì nếu không đủ giới biệt giải thoát này thì chính định, thánh đạo không do đâu mà phát sinh nên lấy nghĩa tối thắng để giải thích tên Ba-la-đề-mộc-xoa. Như vậy càng thấy sự trọng yếu của biệt giải thoát.

3. Thi-la: Chính dịch là Giới, cũng dịch là Thanh lương. Giới được hiểu là phương tiện để ngăn ngừa các hành động sai lầm, chấm dứt mọi điều ác (phòng phi chỉ ác viết giới) hay ngừng làm các điều ác mà làm các điều thiện (chỉ ác tác thiện). Sách “Đại thừa nghĩa chương” giải thích: “Điều sai trái của ba nghiệp thiêu đốt hành giả, những việc ấy như lửa nóng. Giới có khả năng phòng ngừa, đình chỉ điều đó, làm cho thân tâm được mát mẻ nên gọi là thanh lương”. “Đại Trí Độ Luận” nói: “Thi-la dịch là Tính thiện: hạnh tốt đạo lành, không tự phóng dật, đó là Thi-la”.

Tóm lại: Luật thì căn cứ vào phương diện giải thích rõ giáo nghĩa; Giới thì căn cứ vào phương diện hành tướng; Giải thoát thì căn cứ vào phương diện mục đích, có bắt đầu thì phải có kết thúc, tức dựa vào giáo khởi hành, nhân hành mà chứng quả vậy. Nhưng hiện tại chỉ lấy luật đặt tên bởi luật bao hàm nghĩa hết sức rộng, như “Hành sự sao tư trì ký” giải thích ý nghĩa của Luật như sau: “Nay theo chú thích về giới thông suốt bao gồm các văn, không ra ngoài 3 nghĩa:

– Thứ nhất nói luật là pháp (律者法也): Từ giáo nghĩa mà đặt tên, quyết đoán sự khinh trọng, khai gia trì phạm không pháp nào không được xác định… nên gọi là pháp.

– Thứ hai gọi luật là phân chia (律者分也): Là phải xem xét liệu lượng, căn cứ vào lượng hiện có mà phân định, phán đoán, quyết định. Lại nói, giáo tướng giải thích thích rõ 4 việc tất cả ở đây, đó gọi là phạm, không phạm, khinh, trọng. Bốn hiện tượng này không có luật thì không thể phân tích, xác định, do vậy trì phạm không quá lạm.

– Thứ ba nói luật là biên chép (律者筆也): Phải hiểu rõ giáo nghĩa và xét nghiệm tình hình thực tế mới quyết định bằng việc ghi chép (án tại hồ sơ) xử lý nghiêm ngặt, quyết định chính xác. Nếu không có sự biên chép thì không sao minh định được”.

Giới và luật về mặt ý nghĩa có những điểm giống nhau, cũng có điểm khác nhau, tên tuy có khác nhưng vẫn cùng một thể, vì thế thường gọi tên ghép là giới luật. Do vậy luật học chính là toàn bộ học thuật thuộc luật tạng trong Tam Tạng. Cũng như pháp luật hiện hành của xã hội con người, luật là chỉ cho những bộ sách ghi chép chi tiết những quy tắc quy định về thể chế, tổ chức của Tăng-Già cùng những nguyên tắc quy định cách giải quyết những bất đồng trong tổ chức Tăng-Già và biện pháp xử trị đối với những thành viên vi phạm những điều giới luật Phật chế. Để phân biệt, người ta thường dùng danh từ “giới” khi đề cập đến hành động của cá nhân và “luật” nhằm chỉ cho những hoạt động của Tăng đoàn.

4. Luật và nghi: Phép tắc bao hàm thân, lời, tâm ý gọi là luật. Tuân theo phép tắc đó có tiết độ thì gọi là Nghi. Vì uy nghi phải từ giới luật mà sáng tỏ và giới luật phải từ uy nghi mà hiển bày. Người giữ gìn giới luật chắc chắn đầy đủ uy nghi, uy nghi không thiếu khuyết thì giới đức đầy đủ, giới đức đầy đủ mới hoàn thành được mục đích tu đạo và khí tiết cao thượng.

Hai nghiệp thân miệng đều có biểu hiện ở động tác và âm thanh. Động tác và âm thanh biểu hiện ra nếu đều đầy đủ tiết độ thích đáng thì đây chính là uy nghi. Nhưng động tác của thân hình, việc dùng từ ngữ, lời nói, sắc thái của âm thanh hiện ra ngoài có đầy đủ uy nghi phải do giới đức hàm dưỡng bên trong. Cho nên cần phải ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, đều hợp phép tắc; theo đó cử chỉ hành động, lời nói, nét mặt có tiết độ, đức tốt hiển lộ ra ngoài đủ làm khuôn phép cho người khác khiến họ sinh khởi tâm cung kính. Đây chính là uy nghi (有威可畏有儀可敬).

Toàn bộ giáo nghĩa Phật giáo, thực sự là môn tâm lý học hết sức tinh vi, rộng lớn và thiết thực: Có kinh luận để minh tâm kiến tính, có luật nghi để nhiếp tâm, chế ngự hành vi, sửa trị cả trong ngoài, tạo nên hình tướng uy nghi tuyệt đối trang nghiêm. Cho nên cẩn thận giữ gìn đầy đủ uy nghi thì làm cho tất cả hành vi của mình đều phù hợp với tiết độ hiện hành. Như thế thì thân miệng không nói và làm bừa bãi, tâm ý cũng sẽ không tán loạn, dần dần sẽ tương ứng với thiền định và trí tuệ.

Cho nên Luật tức là Nghi; Nghi cũng tức là Luật, hai phần ắt phải đồng thể mà làm lực dụng cho nhau. Luật nghi đầy đủ thì có thể điều chuyển ba nghiệp làm sinh khởi việc thiện, sửa trị việc ác, tự lợi lợi tha đầy đủ. Đây chính là bản ý chế định luật nghi của đức Thế Tôn vậy.

II. Tư liệu của luật tạng.

Tư liệu nghiên cứu luật tạng khá nhiều, có thể chia ra làm nhiều loại: Hệ Pa-li (Phật giáo Nam truyền); hệ Hán dịch (Phật giáo Bắc truyền); hệ Phạn văn; hệ Tây tạng ngữ; hệ Tây vực ngữ; hệ Anh ngữ v.v…. Trong đó, hệ có ý nghĩa giá trị phong phú nhất, mà hoàn bị nhất phải kể đến là văn hệ Pa-li và hệ Hán dịch. Nay xin giới thiệu sơ lược như sau:

1. Tư liệu của hệ Pa-li (Phật giáo Nam truyền): Trong Tam Tạng Phật giáo Nam truyền thuộc văn hệ Pa-li thì luật tạng được xếp vị trí thứ nhất gồm 5 tập đầu, bao gồm 3 bộ phận:

1.1. Kinh “Đại phân biệt” (Sutta Vibhanga): Phần này được chia làm 2 phần.

– Đại phân biệt (Maha Vibhanga): Tức giới bản của Tỷ khiêu, giải thích 227 giới điều của Tỷ khiêu gồm 8 nhóm.

– Tiểu phân biệt hay Tỷ khiêu ny phân biệt (Bhikkhuni Vibhanga): Chú thích giới bản của Tỷ khiêu ny gồm 311 giới, chia làm 7 nhóm.

1.2. Kiền độ (Khandha): Đây là các nhóm công việc Tăng sự được chia 2 phần:

– Đại phẩm: (Maha Vagga): Gồm 10 kiền độ, trình bày về những chế độ, quy tắc, nghi thức và nguyên nhân thành lập giới luật như: Đại kiền độ, Bố tát, Nhập vũ an cư, Tự tứ, Bì cách, Dược, Ca-thi-na y, Chiêm-ba, Câu-diệm-di kiền độ….

– Tiểu phẩm (Cullavagga): Gồm 12 kiền độ như Yết-ma kiền độ, Biệt trú kiền độ, Tập kiền độ, Diệt tránh kiền độ, Tiểu sự kiền độ, Già thuyết giới kiền độ, Tỷ khiêu ny kiền độ, Ngũ bách kiền độ, Thất bách kiền độ.

1.3. Phụ tuỳ (Parivàra): Phần này thuộc về phụ lục gồm 19 chương, dùng để toát yếu những điểm chính của 2 phần trên.

Ngoài 3 bộ phận nêu trên, trong luật Pa-li còn có bộ sớ giải của ngài Phật Âm là Samantapasadika (Nhất thiết thiện kiến, Nhất thiết hoan hỷ mãn túc) gồm 7 quyển, tương đương với Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa bản dịch Hán ngữ… cùng một số sách khác Patimokha (giới kinh)….

Toàn bộ luật tạng Pa-li được dịch sang tiếng Anh, nằm trong bộ Thánh Điển Phương Đông (3 quyển: 13, 17 và 20)

2. Tư liệu Hán dịch: Tư liệu luật tạng Hán dịch xưa nay thường gọi là “bốn luật, năm luận”. Thực ra toàn bộ quảng luật gồm 5 bộ và hơn nữa, hệ thống cũng rất rõ ràng. Ngoài ra còn có những bản dịch quảng luật không đầy đủ hoàn toàn và nhiều bản giới kinh của các bộ phái.

– Luật Thập Tụng (Tát-bà-đa bộ): 61 quyển – Phất-nhã-đa-la và La-thập dịch.

– Luật Tứ phận (Đàm-vô-đức bộ): 60 quyển – Phật-đà-da-xá và Trúc-phật-niệm dịch.

– Ma ha tăng kỳ luật: (Đại chúng bộ): 40 quyển – Phật-đà-bạt-đà-la và Pháp Hiển dịch.

– Luật Ngũ phận (Di-sa-tắc bộ): 30 quyển – Phật-đà-thập và Trúc Đạo Sinh dịch.

– Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Hữu bộ – Tát-bà-đa): 189 quyển do Tam Tạng Nghĩa Tịnh dịch.

– Tỳ-nại-da (Giới nhân duyên kinh): 10 quyển, là quảng luật của Ẩm Quang bộ do Trúc-phật-niệm dịch.

Cùng 5 bộ luận giải thích luật tạng của các bộ phái như:

– Thiện kiến luật tỳ-bà-sa (luật của Thượng toạ bộ Tích Lan): 10 quyển, do Tăng-Già-bạt-đà-la dịch. Đây là tác phẩm của ngài Phật Âm.

– Tát-bà-đa Tỳ-ni Tỳ-bà-sa (Hữu bộ): 9 quyển, mất tên người dịch.

– Tỳ-ni mẫu kinh (luận) (Pháp tạng bộ): 5 quyển, mất tên người dịch.

– Nhị thập nhị minh liễu luận (Chính lượng bộ): 1 quyển – Tam Tạng Chân Đế dịch.

– Tát-bà-đa Tỳ-ni Ma-đắc-lặc-già (Hữu bộ): 10 quyển, do Tăng-Già-bạt-ma dịch.

Giới bản của các bộ phái:

– Giải thoát giới kinh.

– Thập tụng Tỷ khiêu Ba-la-đề-mộc-xoa giới bản.

– Thập tụng Tỷ khiêu ny Ba-la-đề-mộc-xoa giới bản.

– Tứ phận luật Tỷ khiêu giới bản.

– Tứ phận luật Tỷ khiêu ny giới bản.

– Ma ha Tăng kỳ luật đại Tỷ khiêu giới bản.

– Ma ha Tăng kỳ luật Tỷ khiêu ny giới bản.

– Di-sa-tắc ngũ phận luật Tỷ khiêu giới bản.

– Ngũ phận luật Tỷ khiêu ny giới bản.

– Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ giới kinh.

– Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Bật-sô ny giới kinh.

(Căn cứ vào Đại tạng kinh Hán dịch thì còn các tác phẩm biên soạn, chú sớ giải thích luật tạng của các nhà luật học Trung Quốc sẽ giới thiệu trong chương III)

III. Luật học với Kinh học, Luận học:

Trong bài tựa của kinh Trường A-hàm ngài Đạo An có viết: “Như Lai xuất thế, đại giáo có ba: Theo thân khẩu thì phòng ngừa bằng luật cấm; làm sáng tỏ vấn đề thiện ác thì chỉ dẫn bằng khế kinh; diễn đạt sự sâu kín vi diệu thì chỉ dẫn bằng pháp tướng”.

Như vậy, Tam Tạng có sự sai biệt giữa Kinh, Luật, Luận. Vậy chúng ta thử khảo sát xem quan điểm của các nhà Phật học về vị trí của Luật học, Kinh học và Luận học trong Tam Tạng như thế nào?

Có quan điểm cho rằng giữa Kinh, Luật, Luận không có sự sai biệt. Vì sao? Vì tất cả lời dạy của đức Phật đều phát sinh từ một trí tuệ rộng lớn, được xuất sinh từ sự giác ngộ thâm sâu, được nhiếp thụ bằng các lực, vô uý, đồng sinh khởi bằng tâm đại từ bi của đức Phật.

Lại có quan điểm cho rằng có sự sai biệt. Hơn nữa, ngay tên gọi cũng đã có sự sai khác: Đây là Tu-đa-la, đây là Tỳ-nại-da, đây là A-tỳ-đàm….

Trên phương diện vô sai biệt là nói về bản thể, đã đồng lưu xuất từ trong biển trí tuệ của đức Phật (Như Lai Tạng), tự không có đường chia nhiều ngả khác nhau nên gọi chung sự tập thành giáo điển của Phật giáo là Đại tạng kinh. Nhưng quan sát ở phương diện sai biệt thì mỗi phần có tông chỉ, có giáo nghĩa giới hạn rõ ràng, không thể hợp làm một được. Cho nên có hai tạng, ba tạng, bốn tạng, năm tạng các loại không đồng. Nay không gọi là tạng mà gọi là học bởi nghĩa tạng và học thông nhau nên ba phần kinh, luật, luật đều gọi là học.

Nay trên phương diện sai biệt, thuyết minh điểm bất đồng giữa luật học với kinh học, luận học.

Luật học chú trọng ở sự, còn kinh học, luận học thiên trọng ở lý. Sự chỉ cho việc tự thân trải nghiệm, tu tập; là cái học thuộc đạo đức hành vi. Lý có thể nghiên cứu tinh tường, suy nghĩ sâu sắc, thuộc cái học tri thức, ngộ chứng. Luật học và kinh luận vốn có sự sai khác như vậy. Lại có người cho rằng: “Kinh thì chỉ chung cho người khác nói, còn luật chỉ từ đích thân kim khẩu của Phật nói ra” nên đến các bậc thánh cũng không dám thay đổi một câu, một chữ. Mặt khác, đức Phật nói mỗi bộ kinh đều có thời gian nhất đinh, có hạn lượng. Còn đối với luật thì thông suốt từ đầu đến cuối không có hạn lượng.

Luật sư Linh Chi đối với Tam Tạng có sự đánh giá như sau: “Nếu giải thích rõ lý để phát huy trí tuệ, phá vọng hiển chân thì kinh luận là hơn. Nếu theo phép tắc chọn lấy việc tu hành diệt ác sinh thiện thì Tỳ-ni độc tôn. Nên biết Tam Tạng mỗi phần đều có những ưu điểm riêng” (Tư trì ký – q1).

Sự đánh giá trên quả là không nghiêng lệch, hết sức thoả đáng. Chỉ vì từ trước đến nay, những người học Phật theo quan điểm của mình quan tâm đến sự trước sau của Tam Tạng mà tranh luận hơn thua nên không khỏi có các kiến chấp thiên lệch quanh co nhưng nhờ vào đó, chúng ta có thể biết thái độ nghiên cứu, học Phật của người xưa. Quan điểm sai khác có nhiều nhưng tựu trung có ba xu hướng là:

1. Nghiêng nặng về kinh học:

Phân biệt theo con đường thông luận chung thì cho rằng trước Kinh, kế tiếp là Luật, sau cùng là Luận. Cho đến chủ trương nghiêm khắc thì chỉ đặc biệt coi trọng kinh.

Trong “Tam luận huyền nghĩa” có ghi: “Đệ tử của Thượng toạ bộ chỉ hoằng truyền kinh, lấy kinh làm chính. Luật thì khai gia bất định. Tỳ-đàm chỉ giải thích kinh hoặc quá kinh bản, hoặc giảm kinh bản nên không hoằng truyền, cũng không bỏ hai tạng ấy”.

Sách “Dị tông luận” có nói: “Kinh Lượng bộ tự xưng ta lấy A-nan làm thầy vì là người kết tập kinh tạng lần thứ nhất nên chủ trương của Kinh lượng bộ chỉ dựa vào kinh làm chính lượng, không dựa vào luật và Đối pháp. Phàm những chỗ y cứ dẫn giải đều lấy kinh làm chính”.

Đến ngay pháp sư Đạo An ở Trung Quốc cũng có cùng quan điểm: “Ngài A-nan tụng ra 12 bộ kinh, sau đó chia ra các con đường, đến pháp Tiểu thừa là bốn bộ A-hàm…. Ngài Ca Chiên Diên Tử tóm lấy phần thực hành chính yếu, dẫn lời giải thích huấn dụ của kinh là A-tỳ-đàm. Ngài Ưu-ba-ly phân biệt nguyên nhân mà thành lập Tỳ-ni cùng với A-tỳ-đàm và bốn bộ A-hàm mà tạo nên Tam Tạng”. (Tỳ-bà-sa luận – q14)

Luật sư Hoài Tố có đưa ra quan điểm giải thích: Trước kinh sau luật, luận là do các nghĩa sau:

a. Dựa vào thứ tự thuyết giáo: Sau khi thành đạo, đức Phật liền chuyển bánh xe pháp, đầu tiên nói pháp Tứ đế ở vườn nai, đó là kinh tạng. Đã nghe pháp rồi xuất gia thụ giới, thực hành trong việc tu thân xử sự, đó là luật tạng. Đã khởi hành rồi lại phân biệt uẩn, vô ngã… đó là luận tạng.

b. Theo căn cơ: “Người chưa trồng căn lành khiến trồng căn lành nên nói Tu-đa-la. Người đã trồng làm cho thành tựu tương tục nên nói Tỳ-nại-da. Người đã thành thục tương tục khiến cho giải thoát nên nói A-tỳ-đàm” (luận Đại Tỳ-bà-sa – q1).

c. Căn cứ theo sự kết tập: Trong kinh Xuất Diệu và Luận Đại Trí Độ đều nói: Trước kết tập khế kinh, kế tiếp kết tập luật, sau kết tập A-tỳ-đàm.

d. Theo căn bản: “Khế kinh là gốc nên phải thuyết minh trước; giới từ đó sinh ra, tuệ mới sinh khởi được” (Tứ phận luật khai tông ký – q1).

Luật sư Hoài Tố nêu ra 4 lý do như trên hết sức rõ ràng nên những người coi trọng kinh học hết sức tán đồng.

2. Nghiêng về luận học: Sau khi đức Phật nhập diệt không lâu, các đệ tử còn thiên trọng về kinh luật. Về sau, do kiến giải bất nhất về các vấn đề giáo nghĩa nên phát sinh tranh luận mà tạo thành phong trào luận học phát triển rực rỡ, từ đó sản sinh ra các bậc đại luận sư như Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân,….

Trong “Tam luận huyền nghĩa” có nói về sự phân chia của Thượng toạ bộ và Tát-bà-đa như sau: “Bộ Tát-bà-đa bảo Tỳ-đàm là tối thắng nên hoằng dương nghiêng về nó. Từ ngài Ca-diếp đến ngài Quật-đa hoằng dương kinh là chính; từ ngài Phú-lâu-na dần dần bỏ gốc hoằng dương ngọn nên hoằng truyền Tỳ-đàm là chính. Đến thời ngài Ca-Chiên-Diên-Ny-Tử thì Tỳ-đàm rất hưng khởi”.

Trong “Dị Tông Tông luận” nói về Kê dận bộ như sau: “Bộ này chỉ hoằng dương Đối pháp, không hoằng dương kinh luật”.

Phật giáo Ấn-độ, sau khi đức Thế Tôn diệt độ đã phát triển rực rỡ muôn màu, thực sự nhờ kết quả của các đại sư đã nỗ lực nghiên cứu luận học. Còn ở Trung Quốc, như các ngài Từ Ân, Gia Tường và các tông Câu-xá, Thành Thực… cũng đều nghiêng về luận học. Luật sư Hoài Tố đã có phát biểu mang tính hài hoà rằng: “Nếu theo sự hơn kém để nói rõ về thứ tự thì luận đứng trước, kế đến kinh, sau đến luật. Bởi vì Đốipháp giải thích rõ về Tuệ – gốc của chủng trí; Định chứng được ở tâm, nhân tuệ mà khởi; Giới điều phục thân và lời nói, đo định mà phòng ngừa được” (Tứ phận luật khai tông ký – q1).

3. Nghiêng nặng về luật học:

Khi đức Phật còn tại thế khen ngợi ngài Ca-diếp tu pháp đầu đà khổ hạnh, chia nửa toà cho ngồi, lại tán thán tôn giả Ưu-ba-ly trì luật đệ nhất nên sự ham chuộng đạm bạc giữ giới thời bấy giờ trở thành đặc sắc của Phật giáo. Đến khi sắp nhập Niết-bàn, Phật còn nhắc đi nhắc lại rằng: “Tỷ khiêu các ông, sau khi ta diệt độ, nên tôn trọng trân kính Ba-la-đề-mộc-xoa như mù tối mà được mắt sáng, như người nghèo được của báu. Phải biết giới là đức thầy cao cả của các ông, cũng như ta ở đời không khác” (Kinh Phật Di Giáo). Cho nên luật học ở Ấn-độ phát đạt, một là do có sự khuyến khích của đức Phật lúc còn tại thế; hai là lời di chúc thiêng liêng mà Ngài căn dặn. Trong luật Thiện Kiến có ghi: “Đại đức Ca-diếp nói với đại chúng rằng: Chúng ta nên kết tập gì trước? Có phải Tỳ-ni không? Các vị Tỷ khiêu đáp: Thưa đại đức! Tỳ-ni tạng là thọ mệnh của Phật pháp, Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ. Cho nên chúng ta trước kết tập tạng Tỳ-ni”. Trong bài tụng của luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da có câu:

Phật nói ba tạng giáo

Tỳ-nại-da là đầu

Phật dạo khắp thế gian

Tuỳ nơi nói kinh pháp.

Luật giáo không như thế

Nên hiểu khó được gặp”.

Sau khi Phật diệt độ khoảng 300 năm, các vị đệ tử tôn kính luật học không kém gì lúc Phật tại thế. Đến sau khi có sự phân chia, như một cây gậy vàng bẻ ra từng đoạn nhưng bản thể của vàng chưa từng khác trước nên luật bộ từ khi phân ra 2 bộ, 5 bộ, 18 bộ… song điều chính yếu là đối với luật học căn bản không dám có ý tưởng khinh thị phóng túng. Đối với Phật giáo Nam truyền, luật được đặt trước kinh luận. Phật giáo Bắc truyền đối với luật học cũng theo xu hướng ấy. Luật Tứ phận, Ngũ phận, Thiện kiến càng cho rằng trước luật, kế đến kinh, sau cùng là luận. Luật sư Hoài Tố nêu 4 lý do để chứng minh điều đó:

a. Theo pháp trụ: Tỳ-ni trụ, Phật pháp cửu trụ nên trước kết tập Tỳ-nại-da nên luật Thiện kiến nói: “Tỳ-ni tạng là thọ mệnh của Phật pháp, Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ”.

b. Dựa vào việc khởi hành: Phán xét đến việc tu hành thì giới hạnh ở trước nên luật học đứng đầu. Như nói: “Nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ”.

c. Căn cứ vào việc chế lập khác biệt: Gọi Tỳ-nại-da là hơn cả vì có tính bí mật, tạo ra riêng nên hơn hẳn hai tạng kia. Do vậy thuyết minh trước. Trong luật có chế: Chê bai tạng luật phạm tội Ba-dật-đề; nói xấu hai tạng kia chỉ phạm Đột-cát-la.

d. Theo căn cơ: Nói tạng luật che chở cho Tăng chúng cho nên thuyết minh trước. Hai tạng kia không như thế nên ở sau (Tứ phận luật khai tông ký).

“Luật học trọng ở việc hành trì; kinh luận nghiêng về lý thuyết. Nhưng nếu chỉ lý thuyết suông mà không thực hành thì không khác nào miệng nói đến các món trân bảo mà không hề được nếm qua. Cho nên các bậc tiền thánh quả tròn, các vị hậu hiền nhân mãn. Không ai không xuất phát ở luật học mà ra” (Hành sự sao tư trì ký – q3).

Cho nên, tâm của Tỷ khiêu có thấy pháp hay không, người thường không biết nhưng thân miệng của Tỷ khiêu có như luật không, người thường đều biết. Làm được như luật thì Phật pháp được người đời tôn trọng; làm không đúng luật thì bị người đời chỉ trích. Người tại gia đối với Tam bảo tin tưởng hay chê bai tỷ lệ thuận với việc người xuất gia giữ gìn giới luật hay huỷ hoại nó. Sự nhiễm tịnh, tà chính trên hành vi dùng giới luật xét nghiệm thì sẽ biết. Cho nên muốn phân biệt phải trái về sự nhiễm tịnh thì cần phải học luật, trì luật. Người xuất gia ngày nay chỉ muốn siêng năng dũng mãnh học tập kinh luận, song hiện đời không thấy pháp không quan trọng nhưng nếu không học luật, trì luật thì hiện đời này sẽ tuỳ lúc tuỳ nơi chiêu cảm rất nhiều phiền não, chê trách…. Bản thân họ và Tăng đoàn đều sẽ bị tổn thất. Nhìn trên mặt tác dụng thế tục, tính trọng yếu của luật vượt lên trên kinh luận.

Tác dụng đặc thù của luật là kiềm chế bản ngã và buông bỏ riêng tư. Phàm làm việc gì cũng cần phải thông qua sự bàn bạc chung, quyết định chung, lo liệu chung của đại chúng. Ý kiến và quyền uy riêng của cá nhân tuyệt đối không cho tự do phát triển, đây chính là chế ngự bản ngã. Phát tâm phục vụ đại chúng hết sức hạn chế sự bành trướng về địa vị và lợi dưỡng của cá nhân, không được tự ý nhận lấy và tiêu dùng một cách phung phí. Đây gọi là buông bỏ riêng tư. Phật giáo nói phá ngã, cần phải trước hết bắt đầu từ buông bỏ riêng tư (cá nhân). Nếu bỏ qua luật chế thì thông thường một Tỷ khiêu chế ngự bản ngã và buông bỏ riêng tư còn không làm được mà vội bàn đến giáo nghĩa phá ngã và dứt trừ riêng tư sao được? Nhìn từ phương diện tu hành, giới luật trở thành khuôn mẫu thực tế nhất của người xuất gia. Nhất cử nhất động đều không thể tách rời điều này. Cho nên giữa và cuối đời đức Thế Tôn đặc biệt coi trọng giới luật.

IV. Giới học – Định học – Tuệ học.

Một đời thuyết giáo của đức Thế Tôn, chân lý ấy nhất quán từ đầu đến cuối: Đó là muốn chúng ta đem thế giới hữu lậu huyễn vọng này chuyển thành thế giới vô lậu chân thật, tuyệt đối toàn thiện. Công cụ để cải tạo việc này không ngoài ba môn học: Giới-định-tuệ.

Trong lời tựa của sách “Tỷ khiêu đại giới”, pháp sư Đạo An có viết: “Đức Thế Tôn lập giáo, pháp có ba: Một là giới luật, hai là thiền định, ba là trí tuệ. Ba phần này là cửa vào đạo, là căn bản cốt yếu của Niết-bàn”.

Nhưng ba môn học này, luận về hành tướng của mỗi môn thì có sự bất đồng. Nếu căn cứ vào lý được giải thích thì không môn nào không thông nhiếp nhau. Nay nói theo phương diện bất đồng của hành tướng, phân làm ba loại sau:

1. Theo công dụng: Ba phần Giới-định-tuệ đều có công dụng đặc thù của nó. Bảy chi của thân và miệng hợp với cảnh ngũ dục, phải có giới luật phòng cấm mới không sinh khởi các điều trái ác. Sự tán loạn vọng niệm khởi lên trong tâm ý, không có năng lực của thiền định thì không thể nhiếp phục. Phiền não thâm căn cố đế từ vô thuỷ kiếp đến nay, không có gươm bén trí tuệ thì vĩnh viễn không có ngày cắt bỏ được. Trong luận Thành Thực cũng có ví dụ “Giới như bắt giặc, định như trói giặc, tuệ như giết giặc”.

2. Căn cứ trước sau: Định học và tuệ học nhờ có giới học mới phát sinh được, cho nên pháp sư Đạo An có nói: “Tại gia, xuất gia không ai không bắt đầu lấy giới làm nền tảng”. Trong kinh Phật Di Giáo có nói: “Nhờ nương vào giới này mà phát sinh các thiền định và trí tuệ diệt khổ”. Nói cách khác, nếu không trì giới thì không có thiền định, không có thiền định thì trí tuệ cũng không từ đâu mà sinh khởi. Từ đó có thể suy ra: “Giới là nhân của định vì có khả năng kiến lập thật nghĩa của định” (Luận Du Già). “Tuệ là quả của định vì định là chỗ nương tựa của trí. Cho nên thứ tự trước giới, kế định, sau tuệ như những hạt châu xâu thành chuỗi hay như bậc thang vậy” (Luận Thành Thực).

3. Nói rõ về Thắng-Liệt: Nhưng trong ba môn học này, môn nào hơn? Môn nào kém? Có người thiên về giới học, có người thiên về tuệ học, cũng có người bảo cả hai đều có sự thù thắng.

– Người nghiêng về tuệ học thì cho rằng: Xét về con đường thành Phật, lấy việc nghiên cứu tuệ học rốt ráo làm việc cấp bách. Bởi lẽ trì giới tinh nghiêm mà đối với tuệ học lười biếng thì chẳng qua chỉ hưởng phúc báo hữu lậu, hoặc tiểu quả thanh văn mà thôi. Còn đối với quả Đại Bồ-đề, quyết không có dự phần (Kinh Niết-bàn).

– Người nghiêng về giới học thì cho rằng: “Tuy có học rộng nghe nhiều mà không có giới hạnh và trí tuệ cũng khác nào cầm thú. Tuy gọi là thấp hèn, thiếu kiến văn mà trì tịnh giới cũng được gọi là thắng sĩ” (Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội).

Luật sư Đạo Tuyên cũng có chủ trương giới học hơn hẳn định tuệ. Ngài nói: “Tâm là gốc sản sinh ra dục vọng; diệt dục ắt đình chỉ tâm nguyên; tâm đình chỉ do tuệ sáng; tuệ sinh khởi nhờ ở định phát; công của định phát do giới được duy trì. Cho nên đặc biệt phải tôn trọng giới” (Tứ Phận Luật Tuỳ Cơ Yết Ma nguyên tựa).

– Người cho rằng cả ba môn học đều có đủ sở trường thù thắng, như trong Hành Sự Sao có nói: “Nếu mong đoạn hoặc chứng chân thì tuệ là hơn. Giới chỉ đình chỉ nghiệp; định chỉ thu nhiếp tán loạn. Nếu theo thứ tự tu hành, giới phải là đầu, thiền định trí tuệ nhân đó mà sinh…”. Do đó, quan niệm ba môn học tuy khác nhau nhưng không thể nói môn nào hơn, môn nào kém.

Nay lại căn cứ vào nghĩa Sở Thuyên thông nhau cũng chia làm hai loại

1. Giới học thông với định học, tuệ học: Theo Luận Tỳ-bà-sa sắp xếp giới môn gồm có Ba-la-đề-mộc-xoa giới, thiền giới, vô lậu giới. Kỳ thực, thiền giới tức định học; vô lậu giới tức tuệ học. Do nhập thiền định nên ba nghiệp không sinh khởi ra điều xấu ác. Đã chứng được vô lậu, tự nhiên không huỷ phạm tất cả luật nghi nên gọi là định cộng giới, đạo cộng giới. Trong Luật Tứ Phận gọi đó là tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học. Cũng chính là bao quát giới học thông với định tuệ. Trong Tứ Phận Trùng Trị nói về nhân quả tương hỗ của ba môn học như sau: “Do trì tịnh giới nên thiền định, công đức trí tuệ phát sinh thì luật nghi là nhân, định đạo là quả. Do lực vô lậu, thiền định mà tính nghiệp, già nghiệp đều được thanh tịnh thì giới là quả, định đạo là nhân duyên”.

Theo Luận Tát-bà-đa Tỳ-ni Tỳ-bà-sa thì cho rằng: “Ba-la-đề-mộc-xoa giới này, nếu đức Phật ở đời thì có giới này. Còn thiền giới, vô lậu giới, dù đức Phật ở đời hay không, luôn luôn đều có. Ba-la-đề-mộc-xoa từ giáo giới mà sinh; thiền giới và vô lậu giới không từ giáo giới mà được. Ba-la-đề-mộc-xoa chỉ có đệ tử của đức Phật mới có; thiền giới ngoại đạo đều có. Duy trì được Phật pháp có bảy chúng ở thế gian, đạo quả ba thừa tương tục không dứt đều lấy Ba-la-đề-mộc-xoa làm căn bản. Thiền giới và vô lậu giới không được như thế”.

2. Luật tạng giải thích cả định tuệ:

Thông thường nói kinh tạng giải thích định học, luật tạng giải thích giới học, luận tạng giải thích tuệ học. Sự thật thì nghĩa không dừng lại ở đây. Ba môn học Giới-định-tuệ đã có điểm thông nhau và giáo pháp năng thuyên cũng tự có khả năng thu nhiếp lẫn nhau như trong luận A-tỳ-đạt-ma Tỳ-bà-sa quyển 1 có nói: “Trong kinh, dựa vào tăng thượng tâm luận đạo là Tô-đát-lãm; dựa vào tăng thượng giới luận đạo tức Tỳ-nại-da; dựa vào tăng thượng tuệ luận đạo tức A-tỳ-đạt-ma.

Trong luật, dựa vào tăng thượng giới luận đạo là Tỳ-nại-da; dựa vào tăng thượng tâm luận đạo tức Tô-đát-lãm; dựa vào tăng thượng tuệ luận đạo tức A-tỳ-đạt-ma.

Trong luận, dựa vào tăng thượng tuệ luận đạo tức A-tỳ-đạt-ma; dựa vào tăng thượng tâm luận đạo tức Tô-đát-lãm; dựa vào tăng thượng giới luận đạo tức Tỳ-nại-da”.

Tam học tương thông được giải thích rõ ràng nhờ văn của luận nên giáo tạng cũng nhân đó thông nhiếp lẫn nhau. Nhưng ở đây có tự tính nhiếp và tha tính nhiếp bất đồng. Theo luận Câu-xá có nói: “Nay bảo tự tính nhiếp là vì Tỳ-ni tạng chính là giải thích luật học, đồng thời ở phương diện tha tính giải thích cả định học, tuệ học. Hai tạng kia cũng vậy”. Nay nêu bằng sơ đồ sau:

Kinh tạng

Tự tính

Định học

Tam học

viên dung

Tha tính

Giới học

Tuệ học

Luật tạng

Tự tính

Giới học

Tam học

viên dung

Tha tính

Định học

Tuệ học

Luận tạng

Tự tính

Tuệ học

Tam học

viên dung

Tha tính

Định học

Giới học

Tự thân của luật học tự nhiên khái quát tất cả giới pháp lành nhưng còn bàng bạc đến cả định học và tuệ học nên tăng tâm học, tăng tuệ học đồng gọi là giới học.

V. Mục đích của việc nghiên cứu luật học

Phàm nghiên cứu một loại học vấn, trước phải xác định được mục đích của nó, sau đó mới đầu cuối nhất quán tiếp tục nỗ lực, tập trung tư tưởng để mong đạt được mục đích đề ra. Chúng ta nghiên cứu luật học cũng vậy, nếu không xác định mục đích, giả sử có thuộc lòng cả quảng luật nhưng đối với việc tu học cũng không có lợi ích gì.

Mục đích nghiên cứu luật học: Về phương diện tự thân chính là mong cầu “đoạn hết sinh tử vô cùng, cắt đứt nghiệp sai trái vô biên, phá mê lầm từ vô thuỷ, chứng pháp thân vô thượng”. Đồng thời về phương diện Tăng-Già lại càng trọng yếu. Đó là xây dựng, củng cố và phát triển Tăng-Già trên cơ sở thanh tịnh hoà hợp nhằm làm cho “Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ”. Đây chính là trách nhiệm phải gánh vác của đệ tử Phật, cũng chính là bản hoài chế định giới luật của đức Thế Tôn.

1. Những khó khăn của việc nghiên cứu luật học:

Khi tiến hành nghiên cứu luật học thì nhất thời không dễ gì giải quyết vì lúc đức Phật còn tại thế, đích thân Ngài chế định giới luật rất nhiều. Sau khi Phật diệt độ, trải qua bao nhiêu thời đại thay cũ đổi mới, trong khoảng thời gian đó, tuy căn bản giới luật không thay đổi nhưng do sự truyền tập ban đầu và tiếp tục theo đó có sự bổ sung, hiệu đính rồi sau nữa do ý kiến bất đồng mà phát sinh sự phân chia. Do phân chia nên có sự biên tập, tổng hợp tìm tòi rồi biên chép lại; sách vở lại lần lượt mai một, lại qua nhiều lần phiên dịch, thật là khó chính xác!

Cân nhắc để có thể nghiên cứu thì luật học thuộc tạng Pa-li của Phật giáo Nam truyền và luật Tiểu thừa Hán dịch của Phật giáo Bắc truyền, chủ yếu là 5 bộ quảng luật có thể làm tài liệu gốc cho việc nghiên cứu luật học. Còn như các kinh luận khác và các sớ giải của Phật giáo Bắc truyền, Nam truyền, phàm có nội dung liên quan đến luật học đều có thể dùng làm tài liệu tham khảo. Tìm kiếm, đào xới, so sánh đối chiếu nhất định tìm ra chỗ nào là chế định ban đầu hay chế định lại của thời đại đức Phật? Sự tăng bổ, hiệu đính của các đệ tử sau khi đức Phật diệt độ như thế nào? Những diễn dịch nhằm tháo gỡ điều gì? Tất cả những điều này đều có thể nghiên cứu tìm ra câu trả lời chính xác.

Luật học đã ra đời trên 2500 năm và nối tiếp từ Ấn-độ đến Trung Quốc rồi Việt Nam. Do tình trạng xã hội của các thời đại và phong tục của các dân tộc, các quốc gia có điểm bất đồng lớn mà về mặt không gian có tính phổ biến, về mặt thời gian có tính liên tục thì luật học Phật giáo không thể không theo thời biến đổi cho thích hợp, tuỳ xứ thích nghi ư? Vì do sự truyền tập mà bổ sung, hiệu đính, phân chia… đều lấy thời đại và bối cảnh địa lý làm căn bản, tuyệt đối không phải là hoạt động đơn độc. Cho nên trong luật Ngũ phận, đức Phật có dạy: “Tuy điều ta chế mà đối với địa phương khác không cho là thanh tịnh thì không nhất định phải tuân theo; tuy chẳng phải điều ta chế mà đối với địa phương khác cho là thanh tịnh thì không được không làm theo”. Qua đó có thể thấy cái nhìn của đức Phật về luật học, tuy chủ trương trước sau là nghiêm khắc, nhất quán nhưng về không gian không hề mang tính cô lập, về thời gian lại luôn mang tính thực tiễn hiện hữu.

Tóm lại: Luật học sở dĩ rắc rối như thế hoàn toàn tuỳ thuộc vào nhu yếu của hoàn cảnh xã hội mỗi thời đại, không thể không hướng đến con đường thích ứng. Cho nên ngày nay, nghiên cứu luật học trong sự phức tạp rắc rối này phải tìm tòi, phát kiến ra những điều then chốt của sự đơn giản thiết yếu. Việt ấy thật không dễ dàng gì!

2. Những khó khăn của việc hoằng dương giới luật:

Đối với việc hoằng dương giới luật, chúng ta hy vọng xuất hiện một phong khí mới nhưng trên thực tế việc này không khả quan lắm. Trong bối cảnh ngày nay, chúng ta nhận thấy những khó khăn chủ yếu sau:

2.1 Luật bản quá nhiều, tổng hợp được chẳng phải dễ: (đây chính là những khó khăn trong việc nghiên cứu đã nêu trên).

2.2 Giới tướng rất phiền phức, không dễ gì ghi nhớ rõ ràng hết được: Một vị Tỷ khiêu học thuộc giới kinh đã là điều rất hiếm nhưng cũng chưa thể gọi là người hiểu luật. Bởi trong mỗi điều giới đều có phân biệt duyên khởi, giải thích từ ngữ, phân biệt khai gia trì phạm,…. Mỗi điều giới đều có xem xét sự khinh trọng về động cơ, phương tiện, kết quả để quyết định phạm, không phạm, khinh hay trọng và phương thức sám hối diệt trừ. Mặt khác, một Tỷ khiêu không chỉ biết về giới tướng khinh trọng và phương thức sám hối là đủ mà còn phải thông hiểu các nguyên tắc tổ chức Tăng-Già và các biện pháp xử lý các công việc trong Tăng (các pháp Yết-ma). Vì thế mà nhiệm vụ của Tỷ khiêu trong 5 năm đầu sau khi thụ giới cụ túc là học, hiểu và thực hiện thành thạo giới và luật. Đây là điều rất khó.

2.3 Muốn hoằng giới cần phải trì giới: Phật giáo coi trọng tri hành hợp nhất, hành giải tương ứng. Cho nên người học luật, hoằng luật phải là người tiên phong trong việc giữ gìn giới luật. Song trong thực tế không thể mọi việc đều hành trì đúng như luật nhưng người đó phải là người trung kiên của giới luật, luôn trung thành với tinh thần căn bản của giới luật trong việc học tập, thực hành và hoằng truyền.

2.4 Thực tế Phật giáo Việt Nam không coi trọng luật học: Căn bản của Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay là Phật giáo Thiền tông, rồi Tịnh độ,…. Cho nên đối với luật học không có sự quan tâm nhiều, đặc biệt ngày nay đối với tăng ny trẻ có xu hướng trọng giáo hơn trọng luật. Đây chính là sự trở ngại lớn trong việc hoằng dương luật học….

2.5 Luật văn cố định mà thời đại thì biến đổi: Nếu đem toàn bộ giới điều được chế định của Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ny ra xem xét, đối chiếu với thực tế ngày nay thì có đến quá nửa điều giới không còn được áp dụng. Văn luật vốn cố định do Phật chế cách đây trên 2500 năm nhằm thích ứng với điều kiện thực tế của Ấn-độ cho đến nay đối với chúng ta, thời đại, địa lý, phong tục và căn cơ đã sai khác quá nhiều so với thời Phật, nếu giữ nguyên như vậy thì không thể nhưng bỏ nó, sửa đổi hoặc chế định mới thì lại không được. Đây là điều hết sức khó khăn.

Song tinh thần chế giới của đức Phật cũng hết sức linh hoạt (như đã nói trong luật ngũ phận quyển 22) đủ thấy giới luật không cứng nhắc cố định. Chỉ cần chúng ta không trái với thời đại, căn cơ, quốc đội mà ứng dụng cho thích hợp. Còn việc ứng dụng thế nào thì cần phải học tập nhuần nhuyễn giới luật rồi sau mới có thể áp dụng linh hoạt viên dung mà không trái với tinh thần của luật chế. Thời đại tuy có thay đổi song tinh thần của luật chế dù trải qua hàng ngàn năm vẫn luôn mới mẻ sống động, vẫn đủ sức duy trì và phát triển giáo hội ngày một xương minh.

Kết luận:

Luật học được cấu thành do toàn thể bảy chúng, tất cả chế độ đều do đó phát sinh, gọi là “một phương diện hành pháp, lập pháp phải thông, xử chúng quyết đoán cân nhắc phải dựa vào luật giáo” (Hành sự sao – q1). “Không như gần đây, người thụ giới không biết thụ cái gì, người truyền giới cũng không biết truyền cái gì. Lúc sắp thụ giới mệt mỏi vô cùng; khi đã được rồi, giới không để ý đến, có đầu không có đuôi, thật rất đáng tiếc. Từ khi có một cơ hội cầu thụ giới, thụ rồi không theo thầy học giới, không tụng giới kinh, không học luật điển, uổng công ở trong hàng ngũ Phật pháp, thiệt mình hại người tốn hao. Nếu loại này tiếp tục tồn tại thì thành diệt pháp” (Nghĩa Tịnh – Nam hải ký quy truyện – q3). “Ôi! Giới có thể khinh, sao ngươi phải đăng đàn thụ giới? Luật có thể huỷ, sao ngươi phải cạo tóc mặc y? Thế thì, khinh giới tức là tự khinh, huỷ luật lại thành tự huỷ” (Tư trì ký q3 – Linh Chi).

Chế độ Phật giáo Việt Nam đã không có gốc rễ ở luật nghi mà lại có hại cho nghĩa học. Cân nhắc tình hình thực tế ngày nay và trào lưu của thế giới, nếu không có sự cải cách triệt để, ắt không thể thích ứng với xã hội hiện đại. Cho nên chúng ta nghiên cứu luật học phải lấy nhãn quang của thời đại, suy nghĩ miên mật ở trong luật tạng phức tạp này tìm ra những điểm then chốt thiết yếu. “Theo thời biến đổi cho khế hợp, tuỳ nơi mà thích nghi”, coi trọng sự cấm chế làm đầu, lấy luật học làm một loại cơ sở đặc biệt để xây dựng cơ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động có đường hướng, để thích ứng với nhu cầu của thời đại mới, đạt đến mục đích “Tỳ-ni trụ, Phật pháp cửu trụ”.

BÁ TRƯỢNG NGỮ LỤC – phần III

BÁ TRƯỢNG NGỮ LỤC

Hoài Hải Thiền Sư
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Duy Lực
Từ Ân Thiền Ðường Hoa Kỳ Xuất Bản 1992

Cần phải biết lời giáo liễu nghĩa, lời giáo bất liễu nghĩa, cần phải biết lời tùy tục, lời nghịch tục, cần phải biết lời nói sống, lời nói chết, cần phải biết lời thuốc, lời bệnh, cần phải biết lời ví dụ thuận, lời ví dụ nghịch, cần phải biết lời nói chung, lời nói riêng. Nói do tu hành được thành Phật, có tu có chứng, là tâm là Phật, tức tâm tức Phật,…,dù là do Phật thuyết nhưng đều thuộc về lời giáo bất liễu nghĩa, là lời tùy tục, là lời nói chung, là lời nhẹ như mang một lon một lít, là lời nói về bên pháp uế, là lời ví dụ thuận, là lời nói chết, là lời nói trước kẻ phàm phu. Chẳng cho do tu hành mà được thành Phật, không tu không chứng, phi tâm phi Phật,… cũng là lời do Phật thuyết, nhưng đều thuộc về lời giáo liễu nghĩa, là lời nghịch tục, là lời nói riêng, là lời nặng như mang trăm tạ, là lời nói ngoài giáo tam thừa, là lời ví dụ nghịch, là lời nói về bên pháp tịnh, là lời nói sống, là lời nói trước người có quả vị. Từ Tu Đà Hoàn trở lên cho đến bậc Thập địa, hễ có lời nói đều thuộc về pháp trần cấu, hễ có lời nói đều thuộc về bên phiền não, hễ có lời nói đều thuộc về giáo bất liễu nghĩa. Giáo liễu nghĩa là trì, giáo bất liễu nghĩa là phạm, Phật địa không có trì phạm nên giáo liễu nghĩa và giáo bất liễu nghĩa đều chẳng cho. Do mạ biết đất tốt xấu, do trược (đục) biết thanh (trong). Như nay cái giác chiếu soi nếu theo bên thanh mà xét thì có giác chiếu soi cũng chẳng phải thanh, không có giác chiếu soi cũng chẳng phải thanh, thanh cũng chẳng phải, không thanh cũng chẳng phải, thánh cũng chẳng phải, không thánh cũng chẳng phải, tại vì thấy nước đục (trược) mới nói lỗi của nước đục, nước nếu trong (thanh) thì đâu có gì để nói nữa, nói ra là làm đục nước rồi. Nếu có cái hỏi của không hỏi thì cũng có cái nói của không nói, bởi Phật chẳng vì Phật mà nói pháp. Pháp giới bình đẳng chân như, không có Phật nào mà không độ chúng sanh, Phật chẳng trụ Phật gọi là chân phước điền. Cần phải phân biệt lời chủ khách, nếu tham nhiễm tất cả cảnh pháp có, không, sẽ bị tất cả cảnh pháp có, không làm mê hoặc thì tự tâm là ma vương, chiếu dụng thuộc ma dân. Như nay cái giác chiếu soi chỉ cần chẳng y trụ vào tất cả các pháp có không, các pháp thế gian và xuất thế gian, cũng không trụ nơi chẳng y trụ, cũng không có tri giải về “không trụ nơi chẳng y trụ”. Tự tâm là Phật, Phật là bất nhị, nếu chiếu dụng (khách quan) thuộc Bồ tát. Tâm tâm là chúa tể thì chiếu dụng (chủ quan) thuộc khách trần. Như nước nổi sóng thì chẳng thể chiếu soi vạn tượng, nếu nước trong lặng tịch chiếu, không lập năng sở, tự nhiên thấu suốt cổ kim, như nói : “Thần vô chiếu công, chí công thường tồn” (2), bậc người như thế được làm đạo sư ở khắp mọi nơi. Tánh thức của chúng sanh là tánh keo sơn, luôn luôn dính mắc các pháp có không, vì chưa từng bước lên thềm bậc Phật nên thình lình cho uống thuốc huyền chỉ chẳng được, bỗng nghe lời nói xuất cách họ tin chẳng nổi, cho nên đức Phật ngồi dưới cội Bồ đề bốn mươi chín ngày lặng lẽ tư duy, vì Phật tánh không có hình tướng số lượng, chẳng thể thí dụ, thực là khó nói. Nếu nói chúng sanh có Phật tánh cũng là phỉ báng Phật pháp tăng, nói chúng sanh không Phật tánh cũng là phỉ báng Phật pháp tăng. Nếu nói có Phật tánh là chấp trước báng. Nếu nói không Phật tánh là hư vọng báng. Như nói về tứ cú kệ : Nói Phật tánh có là tăng ích báng (nói thêm), nói Phật tánh không là tổn giảm báng (nói bớt), nói Phật tánh cũng có cũng không là tương vi báng (trái ngược nhau), nói Phật tánh chẳng có chẳng không là hý luận báng (nói bông đùa). Ban sơ nếu không nói thì chúng sanh không có hy vọng giải thoát, còn ban sơ nếu muốn nói lại sợ chúng sanh đuổi theo lời nói sanh ra kiến giải, lợi ít mà hại nhiều. Nên Phật nói : “Ta thà chẳng thuyết pháp, hãy mau nhập Niết bàn”. Nhưng sau đó tìm về chư Phật quá khứ, thấy các Ngài đều nói pháp tam thừa nên Phật mới giả lập kệ pháp, giả lập danh tự, vốn chẳng phải Phật, nói với họ là Phật, vốn chẳng phải Bồ đề, Niết bàn, giải thoát, nói với họ là Bồ đề, Niết bàn, giải thoát,…. Biết họ gánh trăm tạ chẳng nổi tạm cho họ gánh một lon một lít, biết họ khó tin giáo liễu nghĩa tạm nói với họ giáo bất liễu nghĩa, tạm được pháp lành lưu hành còn hơn là pháp ác. Vì thiện quả mãn rồi thì ác quả đến, được Phật thì có chúng sanh đến, được Niết bàn thì có sanh tử đến, được sáng thì có tối đến, tất cả chỉ là nhân quả hữu lậu đối đãi nhau, nếu muốn vượt qua sự đối đãi chỉ cần cắt đứt câu hai đầu (tương đối) thì chẳng bị số lượng hạn chế. Phật tánh bất nhị, không Phật, không chúng sanh, không thân, không sơ, không cao, không thấp, không bình, không đẳng, không đi, không đến, chỉ cần chẳng chấp trước văn tự, cắt đứt hai đầu thì sự tương đối trói buộc chẳng được, khỏi bị khổ vui lôi kéo, khỏi bị sáng tối khống chế. Nói về lý thì chân thật cũng chẳng chân thật hư vọng cũng chẳng hư vọng, vì không phải là vật có số lượng nên dụ như không, chẳng thể tu sửa. Nếu tâm có một chút tri giải liền bị số lượng dính mắc cũng như keo sơn, năm chỗ (ngũ uẩn) đều bị dính mắc thì bị ma vương nắm bắt được, chẳng được tự do về nhà. Luận về giáo ngữ đều có ba câu liền nhau là sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Sơ là bảo họ phát thiện tâm, trung là phá thiện tâm, hậu mới gọi là thiện tốt. “Bồ tát tức phi Bồ tát thị danh Bồ tát”, “Pháp, phi pháp, phi phi pháp”, cũng như tất cả ba câu trong kinh Kim Cang nghĩa đều như thế. Nếu chỉ nói nghĩa một câu hoặc hai câu làm cho chúng sanh vào địa ngục là tội của pháp sư, nếu đồng thời nói cả nghĩa ba câu mà họ hiểu lầm tự vào địa ngục thì việc ấy không liên can gì đến pháp sư. Như nay nói cái giác chiếu soi là Phật của mình, là sơ thiện không chấp lấy cái giác chiếu soi này, câu là trung thiện, cũng không có cái tri giải về sự không chấp lấy, là hậu thiện. Những lời trên còn thuộc về Phật sau Đức Nhiên Đăng, chỉ là không phàm cũng không thánh, chớ sai lầm nói Phật chẳng phải phàm chẳng phải thánh. Sơ Tổ Trung Hoa nói : “Vô năng, vô thánh là Phật thánh”. Nếu nói có thần thông biến hóa là Phật thánh thì chín phẩm tinh linh rồng, súc sanh… cho đến các cõi trời trở lên cũng có thần thông cũng có thần thông biến hóa, cũng biết được việc xưa nay trăm kiếp, nhưng đâu được gọi là Phật! Như A Tu La Vương thân gấp đôi núi Tu Di vô cùng to lớn, lúc cùng với trời Đế Thích giao chiến, tự biết sức không bằng bèn dắt trăm muôn binh sĩ chui vào cọng sen ẩn núp, thần thông biện tài cũng không biết nhưng chẳng phải là Phật. Giáo ngữ có cấp bậc ẩn hiển, cao thấp, lên xuống bất đồng. Lúc chưa ngộ, chưa giải thoát, gọi là tham sân, ngộ rồi gọi là Phật huệ, nên nói : “Không khác người thuở trước, mà chỉ khác cái hành vi thuở trước”. GHI CHÚ : (l) Mười câu ma ngữ : là trược tâm, tham tâm, ái tâm, nhiễm tâm, sân tâm, chấp tâm, trụ tâm, y tâm, thủ tâm, luyến tâm. (2) “Thần vô chiếu công, chí công thường tồn” : Thần dụ cho tự tánh, tự tánh bất nhị không có năng chiếu sở chiếu nên nói “thần vô chiếu công”, nhưng không phải là không có chiếu soi. Vì thể dụng của tự tánh cùng khắp không gian thời gian nên nói “chí công thường tồn”. Hỏi : Chặt cây, cuốc cỏ, khai mương, đào đất, có tướng tội báo không? Sư đáp : Không thể nhất định nói là có tội hay không tội. Việc có tội hay không tội là do nơi người đó. Nếu tham nhiễm tất cả pháp có không, có tâm lấy bỏ, không thấu suốt nghĩa ba câu, thì nói người này nhất định có tội. Nếu thấu suốt nghĩa ba câu, tâm như hư không, cũng chẳng có cái nghĩ tưởng hư không, thì người này nhất định là không tội. Lại nữa, nếu tội đã tạo rồi mà nói là không thấy có tội thật là vô lý. Nếu không tạo tội mà nói là có tội thì cũng là vô lý. Như trong luật nói : “Người hôn mê giết người và trong chiêm bao giết người còn không bị tội giết”, huống là sự truyền thừa của Thiền tông, chẳng trụ một pháp nào, tâm như hư không, cũng không có tướng hư không, thì tội đặt để ở chỗ nào? * *
Xưa nếu có nay thì nay cũng có xưa, nghĩa là ngày xưa có Phật thì ngày nay cũng có Phật. Hiện tại nếu được một niệm chẳng bị tất cả pháp có không quản nhiếp, thì thẳng đến tận vị lai cũng được như vậy. Xưa cũng như nay, Phật chỉ là người, người chỉ là Phật, cũng là chánh định, chẳng cần đem định nhập định, chẳng cần đem thiền tưởng thiền, chẳng cần đem Phật tìm Phật, như nói : “Pháp chẳng cầu pháp, pháp chẳng đắc pháp, pháp chẳng hành pháp, pháp chẳng thấy pháp, thì tự nhiên đắc pháp, chẳng nhờ đắc để đắc thêm”. Cho nên Bồ tát cần phải chánh niệm như vầy : Đối với pháp rỗng không độc tồn, cũng không biết cái pháp độc tồn, thì chí tánh tự như như, chẳng phải do nhân làm ra, cũng gọi là thể kết, cũng gọi là thể tập, chẳng phải là trí biết, chẳng phải là thức biết, bạch chỗ suy lường, tột cái thể ngưng tịch, sự suy nghĩ dứt hẳn như nước biển cạn sạch, sóng không còn sanh khởi nữa. Cũng nói : Như nước biển lớn không có gió mà lượn sóng lăn tăn, bỗng biết lượn sóng lăn tăn ấy là cái biết thô trong tế, quên cái biết nơi biết vẫn còn là cái tế trong tế. Nói cảnh giới Phật là từ cái biết đầu tiên này sanh ra tất cả tam muội, cũng gọi là đảnh tam muội, cũng gọi là vua tam muội, cũng gọi là nhĩ-diệm-trí (trí sở tri), dùng những tam muội này tưới trên đảnh đầu của các vị pháp vương tử, khiến cho ở nơi tất cả cõi nước (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) đều thành Đẳng Chánh Giác, khi ấy trong ngoài thông đạt chẳng gì ngăn cách một sắc một trần, một Phật một sắc, tất cả Phật tất cả sắc, tất cả trần tất cả Phật, do đến tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mỗi mỗi cùng khắp tất cả cõi nước cũng đều như thế. Đây là thô trong tế, là cảnh giới thiện, trong cảnh giới này kiến văn giác tri là tất cả thượng lưu, xuất sanh nhập tử độ tất cả “có, không” cũng là thượng lưu, Niết bàn cũng là thượng lưu, Vô Thượng Đạo, Vô Đẳng Đẳng Chú cũng là thượng lưu…. Phàm sở thuyết của thượng lưu là cái thuyết đệ nhất, ở trong các thuyết rất là thâm sâu, không người nào có thể đến được. Nói chư Phật hộ niệm nghĩa là khéo nói cái dụng thâm sâu quảng đại của tất cả nước trong và đục nên mới được chư Phật hộ niệm. Kinh nói : “Đi đứng nằm ngồi nếu được như thế, lúc ấy Ta liền hiện thân thanh tịnh quang minh”. Lại nói : “Như ngươi thân bằng, ngữ bằng, Ta cũng bằng như thế, cho đến một Phật sát (l) thanh, một Phật sát hương, một Phật sát vi, một Phật sát xúc, một Phật sát sự, thảy đều như thế. Từ đây lên đến thế giới Liên Hoa Tạng cao rộng thảy đều như vậy”. Nếu giữ lấy cái biết đầu tiên làm tri giải, gọi là đảnh kết (phiền não cao tột), cũng gọi là đọa đảnh kết, là căn bản của tất cả trần lai. Vô cớ tự sanh tri kiến gọi là không dây mà tự trói. Tại sao vậy? Vì có sở tri nên bị cái sở tri ấy ràng buộc trong tam giới. Lại nữa cái biết đầu tiên nầy có thể làm tan tất cả cửa phiền não trói buộc, Nhị thừa gọi là nhĩ-diệm-thức (thức sở tri), cũng gọi là vi tế phiền não, hàng Nhị thừa biết được lập tức dứt trừ. Đã dứt trừ xong, gọi là đem thần tánh trở về cái hang không, cũng gọi là bị rượu tam muội làm say, cũng gọi là bị ma giải thoát trói buộc. Thế giới thành hoại, định lực Nhị thừa có thể duy trì, nhưng vẫn bị lọt vào quốc độ khác mà chẳng hay biết, nên gọi là chỗ hầm sâu giải thoát đáng sợ hãi. Còn hàng Bồ tát thì xa lìa hết thảy. GHI CHÚ : (l) Một Phật sát : Một tam thiên đại thiên thế giới.

* * Sư nói : Phát nguyện cầu vô thượng Niết Bàn còn là tà nguyện. Nơi thân ngũ ấm của mình bị người mổ xẻ, không cảm thấy phiền não, cũng không một niệm sanh tâm nhân ngã, nếu y trụ cái không một niệm đó cho là phải, gọi là pháp trần cấu. Người thập địa thoát chẳng được còn trôi vào sông sanh tử, huống là những kẻ đuổi theo danh lợi, cống cao ngã mạn, nói “ta được tất cả vô ngại”, ấy chỉ là tự dối thôi.
*
* *
Sư nói : Tổ Đạt Ma nói : “Tâm cho là có chỗ đúng ắt phải có chỗ sai”. Nếu quý một vật thì bị một vật mê hoặc, nếu tin thì bị tin mê hoặc, nếu không tin lại thành phỉ báng. Vậy chớ nên quý chớ nên không quý, chớ nên tin chớ nên không tin.
*
* *
Hỏi :Thế nào là “hữu tình không Phật tánh” và “vô tình có Phật tánh”? Sư đáp : Từ người đến Phật là tình chấp thánh, từ người đến địa ngục là tình chấp phàm. Như nay đối với hai cảnh phàm thánh có tâm ái nhiễm thì gọi là “hữu tình không Phật tánh”. Còn như đối với hai cảnh phàm thánh và tất cả pháp có không đều không có tâm lấy bỏ, cũng không có cả cái tri giải về không lấy bỏ thì gọi là “vô tình có Phật tánh”. Do vì không bị tình chấp ràng buộc nên gọi là vô tình, chứ không phải đồng với các loại vô tình như gỗ, đá, hư không, hoa vàng, trúc biếc, mà cho là có Phật tánh. Nếu nói vô tình có Phật tánh, tại sao trong kinh không thấy thọ ký cho chúng thành Phật? Chỉ như hiện nay cái giác chiếu soi không bị loài hữu tình ảnh hưởng mà biến đổi, nên dụ như trúc biếc; tịch mà thường chiếu, sẵn sàng ứng cơ, chẳng phải không biết thời tiết, thời tiết đến thì hoa nở, nên dụ như hoa vàng. Lại nói : “Nếu bước lên nấc thang Phật là vô tình có Phật tánh, còn chưa bước lên nấc thang Phật là hữu tình không Phật tánh”. Lúc chưa ngộ gọi là mẹ, ngộ rồi gọi là con, cũng không có tri giải về ngộ và chưa ngộ gọi là mẹ con đều mất.
*
* *
Sư nói : Tất cả ngôn giáo chỉ là trị bệnh. Vì bệnh chẳng đồng nên thuốc cũng chẳng đồng, do đó có lúc nói có Phật, có lúc nói không Phật, mục đích chính là trị bệnh. Bệnh nếu được lành, mỗi lời đều là lời thật, nếu trị bệnh không lành, mỗi lời đều là hư vọng. Cho lời thật là lời hư vọng là vì sanh khởi kiến chấp, cho lời hư vọng là lời thật là vì muốn đoạn dứt tưởng điên đảo của chúng sanh. Kỳ thật bệnh vốn là hư vọng thì phải dùng thuốc hư vọng để đối trị mà thôi. *
* *
Sư nói :Nơi thánh địa học tập nhân phàm, là Phật vào trong chúng sanh để dẫn dắt dạy bảo đồng loại. Cũng như vào đạo ngạ quỷ cùng họ chịu khổ, mới có dịp thuyết Bát Nhã Ba La Mật cho họ khiến họ phát tâm, nếu cứ ở thánh địa mãi thì làm sao có dịp đến thuyết pháp cho họ. Phật vào các loài chúng sanh làm ghe thuyền cho họ, cùng họ chịu khổ, lao nhọc biết bao! Phật vào chỗ khổ cũng đồng như chúng sanh chịu khổ, Phật chỉ là đi ở tự do chẳng đồng với chúng sanh thôi. Phật chẳng phải hư không, chịu khổ đâu thể không khổ, nếu nói không khổ là không đúng. Bình thường chớ nên nói Phật có thần thông tự tại hay không tự tại. Người biết hổ thẹn thì không dám nói Phật là hữu vi hay là vô vi, không dám nói Phật là tự do hay không tự do. Ngoài sự tán thán phương thuốc hay, không được hiển lộ sự tương đối. Kinh nói : “Nếu người đem Phật, Bồ đề đặt bên chỗ đúng thì người ấy bị tội lớn”. Cũng nói : “Nếu ở trước người không biết Phật pháp mà nói với họ như thế thì không lỗi”. Thí dụ sữa bò vô lậu hay trị bệnh hữu lậu, bò ấy không ở trên cao nguyên, không ở dưới ẩm thấp, thì sữa bò này nên làm thuốc. Cao nguyên dụ cho Phật, ẩm thấp dụ cho chúng sanh. Cũng như nói : “Thật trí của Pháp Thân Như Lai biện tài vô ngại, đi ở tự tại, bất sanh bất diệt, gọi là sáng, còn sanh lão bệnh tử, đau khổ mọi thứ, gọi là tối, như ăn canh nấm trúng độc mà chết ấy là tối. Nếu tiêu diệt dấu tích, sáng tối đều lìa vô thủ vô y thì chẳng sáng chẳng tối”. Nói Phật sanh nơi cung vua, lấy vợ Da Du Đà La, cho đến trải qua tám giai đoạn thành Phật, ấy là sự vọng tưởng chấp thật của hàng Thanh Văn và ngoại đạo. Tự tánh bất nhị, chẳng một chẳng hai, người mắt sáng cần phải đủ hai con mắt để chiếu soi, chiếu phá diệt hai đầu (tương đối). Nếu chỉ có một con mắt thiên hướng một bên thì phải bỏ mất bên kia. Người xưa nói : “Dù Công Đức Thiên, Hắc Ám Nữ đi theo, người chủ có trí thì cả hai đều chẳng nhận”. Người học đạo nên tâm như hư không, sở học mới được thành tựu. Lục Tổ nói : “Thiện ác đều chớ suy nghĩ”. Mã Tổ nói : “Như người mê chẳng phân biệt phương được hướng”. Tăng Triệu nói : “Bế tắc trí huệ thông minh, độc giác mênh mông”. Văn Thù nói : Vì tâm đồng hư không Kính lễ vô sở quán Kinh điển rất thâm sâu Chẳng nghe chẳng thọ trì. Chỉ như nay đối với các pháp có không chẳng thấy chẳng nghe, lục căn đóng bít, nếu học được như thế, trì kinh như thế, mới có phần tu hành. Lời này đắng miệng nghịch tai, nếu người nào thực hành được thì đến kiếp thứ nhì hoặc kiếp thứ ba ắt được ở chỗ không có Phật mà tọa đạo tràng, thị hiện thành Đẳng Chánh Giác, biến ác thành thiện, biến thiện thành ác, dùng pháp ác giáo hóa thập địa Bồ tát, dùng pháp thiện giáo hóa địa ngục ngạ quỷ, gặp chỗ sáng thì khéo mở trói cho sáng, gặp chỗ tối thì khéo mở trói cho tối. Cũng nói : “Từ sắc giới trở lên, bố thí là bệnh, bỏn xẻn là thuốc, từ sắc giới trở xuống, bỏn xẻn là bệnh, bố thí là thuốc”. Cũng nói : “Từ người đến Phật là đắc, từ người đến địa ngục là thất, thị phi cũng vậy”. Tam Tổ nói : “Đắc thất thị phi, nhất thời buông bỏ”. Nắm vàng thành đất, nắm đất thành vàng, tự do biến hóa, tất cả đều làm được. Ngoài hằng sa thế giới có kẻ cầu cứu, Phật liền hiện ra ba mươi hai tướng tốt trước mặt người ấy, dùng tiếng nói của họ thuyết pháp cho họ, tùy cơ cảm ứng, tùy loại biến hóa, mà hiện hình khác nhau, lìa ngã và ngã sở. Làm những được việc này vẫn chỉ là tiểu dụng, cũng còn nằm trong cửa Phật sự. Nếu là đại dụng : đại thân ẩn nơi vô hình, đại âm dấu nơi hy thanh (âm thanh ngoài tần số nghe), như lữa ở trong gỗ cây, như tiếng ở trong chuông trống, khi chưa đủ nhân duyên chẳng thể nói đó là có hay không. Đối với quả báo cõi trời, bỏ nó như nhổ nước miếng, đối với lục độ vạn hạnh của Bồ tát như nhờ tử thi làm bè qua sông, cũng như chui lỗ cầu tiêu để ra khỏi tù. Phật đắp ba mươi hai tướng tốt gọi là đắp cái y cáu bẩn.
*
* * Sư nói :Chẳng thiện trói, chẳng ác trói, chẳng Phật trói, chẳng chúng sanh trói, cho đến chẳng tất cả số lượng trói. Nên nói : “Phật là người ở ngoài trói buộc”. Những người tham đắm tri giải nghĩa cú như mẹ thương con, chỉ biết cho con ăn nhiều tô lạc, tiêu hay không tiêu đều không màng đến. Lời này dụ cho : Hàng thập địa thọ sự cúng dường của trời người là tôn quý phiền não. Thiền định sanh vào sắc giới, vô sắc giới, là phước lạc phiền não. Được thần thông tự tại bay đi ẩn hiện khắp tịnh độ mười phương chư Phật, là nghe pháp phiền não. Học từ bi hỷ xả là nhân duyên phiền não. Học lý không, bình đẳng, là trung đạo phiền não Học tam minh lục thông là tứ vô ngại phiền não. Học tâm đại thừa là phát tứ hoằng thệ nguyện phiền não. Sơ địa, nhị địa, tam địa, tứ địa là minh giải phiền não. Ngũ địa, lục địa, thất địa là chư tri kiến phiền não. Bát địa, cửu địa, thập địa là song chiếu nhị đế (chân đế và tục đế) phiền não. Cho đến học Phật quả là bá vạn A tăng kỳ chư hạnh phiền não. Lược giải :Các thứ phiền não kể trên có thể khiến người đọc nghi ngờ nên chúng tôi luợc giải :
Bản năng của tự tánh vốn đầy đủ, cùng khắp không gian và thời gian, nếu được phát hiện (kiến tánh) thì tùy duyên cảm ứng chẳng thiếu sót. Nay còn học thêm làm thêm cũng như trên đầu mọc thêm đầu, chỉ tự thêm lao nhọc, cho nên nói là phiền não. Chỉ biết tham đắm nghĩa cú tri giải chẳng biết đó là trói buộc phiền não, nên nói : “Giòng sông kiến chấp hay cuốn trôi hương tượng (loài voi lớn ở Hi Mã Lạp Sơn, dụ cho hàng Bồ tát)”.
*
* * Sư nói :Nếu chấp vốn thanh tịnh, vốn giải thoát, tự là Phật, tự là thiền đạo, có kiến giải này, tức thuộc về phái ngoại đạo tự nhiên. Nếu chấp nhân duyên tu thành, chứng đắc, tức thuộc về phái ngoại đạo nhân duyên.Chấp có tức thuộc về phái ngoại đạo thường kiến. Chấp không tức thuộc về phái ngoại đạo đoạn kiến. Chấp cũng có cũng không tức thuộc về phái ngoại đạo biên kiến. Chấp chẳng có chẳng không tức thuộc về phái ngoại đạo không kiến, cũng gọi là ngoại đạo ngu si. Hiện nay chớ cho là kiến (thấy) Phật, kiến Niết bàn, kiến tất cả pháp có không…, cũng không phải là vô kiến, mới được gọi là chánh kiến. Không có tất cả văn (nghe), cũng không phải là vô văn, mới được gọi là chánh văn. Văn Thù là Tổ Sư của bảy Phật, cũng là Bồ tát bậc nhất trong cõi Ta Bà, vô cớ nổi lên cái tưởng kiến Phật, cái tưởng văn pháp, nên bị sức oai thần của Phật đày đi núi Nhị Thiết Vi. Ngài chẳng phải là không hiểu, chỉ vì đặc biệt muốn làm mô phạm cho người hậu học, kiến người đời sau chớ nên móng khởi những kiến văn như thế. Hễ không chấp tất cả các pháp hữu vô, hữu kiến vô kiến… mỗi mỗi thấu suốt ngoài ba câu, ấy gọi là Như Ý Bảo, cũng gọi là Bửu Liên Hoa hứng chân. Nếu sanh khởi Phật kiến pháp kiến và tất cả các kiến hữu vô, gọi là con mắt bị nhặm vì có năng kiến sở kiến, nên gọi là kiến ràng buộc, cũng gọi là kiến che khuất, cũng gọi là kiến nghiệp. Như nay niệm niệm đối với tất cả kiến văn giác tri và tất cả trần cấu được tẩy sạch hết thì một trần một sát trọn là một Phật. Hễ khởi một niệm “trọn là một Phật”, niệm niệm tương tục trong tam thế ngũ ấm không có số lượng, ấy gọi là Phật đầy khắp hư không, cũng gọi là phân thân Phật (Sư từng nói : “Hễ có cử tâm động niệm đều gọi là phá giới”. Tại sao niệm này lại được gọi phân thân Phật? Vì thiên ma Ba Tuần muốn tìm chỗ một niệm khởi của Bồ tát để khuấy phá, nhưng chỗ khởi niệm nầy có thể tìm được chăng? Nếu chẳng thể tìm thì tại sao Văn Thù kiến Phật, văn pháp bị đày đi núi Nhị Thiết Vi ).
*
* * Sư nói :Không có ma phàm phu đến là đại thần chú, không có ma Nhị thừa đến là đại minh chú, không có ma Bồ tát đến là vô thượng chú, không có ma Phật đến là vô đẳng đẳng chú. Một biến chúng sanh là siểm-khúc tu-la (l), hai biến Nhị thừa là siểm-khúc tu-la, ba biến Bồ tát là siểm-khúc tu-la. Đó là tam biến tịnh độ (2). Tất cả pháp có không, phàm thánh,… dụ như quặng vàng, tự mình đúng lý dụ như vàng. Vàng với quặng tách rời nhau thì vàng thật lộ ra. Nếu có người muốn tiền thì liền biến vàng thành tiền cho người ấy dùng. Cũng như bột mì thật, nếu có người đến xin bánh liền làm thành bánh cho người đó. Cũng như viên quan hầu cận có trí, khéo hiểu được ý nhà vua, vua lúc muốn đi, kêu “Tiên đà bà”, liền đem ngựa đến; lúc vua muốn ăn, kêu “Tiên đà bà”, liền đem búa đến. Những việc trên dụ cho người học huyền chỉ, khéo được thông đạt thì ứng cơ chẳng sai lầm, nên cũng gọi là lục tuyệt sư tử (tự tánh). Ngài Chí Công nói : “Tùy người tạo tác, trăm sự biến hóa”. Hàng Bồ tát Thập địa chẳng đói chẳng no, vào nước không chìm, vào lửa không cháy, nhưng nếu muốn cháy cũng chẳng thể cháy, vì các vị ấy còn bị số lượng hạn chế. Phật thì chẳng phải như thế, vào lửa chẳng cháy, còn như muốn cháy liền cháy, vào nước chẳng chìm, muốn chìm liền chìm. Ngài xử dụng tứ đại được tự do, tất cả sắc là sắc Phật, tất cả thanh là thanh Phật, cặn bã nhơ uế của tâm siểm khúc sạch hết, thấu suốt nghĩa ba câu mới được nói lời nầy : Bồ tát thanh tịnh, đệ tử sáng suốt, có nói ra điều gì cũng chẳng chấp có không, tất cả chiếu dụng chẳng lạc vào thanh hay trược. Người có bệnh mà không uống thuốc là người ngu. Người không bệnh mà uống thuốc là hàng Thanh Văn. Người chấp quyết định vào một pháp gọi là định tánh Thanh Văn. Người luôn luôn đa văn gọi là tăng thượng mạn Thanh Văn. Người ham biết các pháp ngoài tâm gọi là hữu học Thanh Văn. Người trầm không trệ tịch và tự biết mình gọi là vô học Thanh Văn. Tham sân si là độc, mười hai phần giáo là thuốc, độc chưa tiêu hết, thuốc không được bỏ, không bệnh mà uống thuốc, thuốc trở thành bệnh. Bệnh hết mà thuốc không bỏ nên mới nói : “Bất sanh bất diệt là nghĩa vô thường”. Kinh Niết Bàn nói : “Tu sĩ có ba điều ác dục : Một là muốn được tứ chúng vây quanh, hai là muốn mọi người làm môn đồ mình, ba là muốn mọi người biết ta là thánh nhân (có trí huệ cao)”. Kinh Ca Diếp nói : “Có bốn điều ác dục : Một là muốn cầu thấy Phật vị lai, hai là muốn cầu làm Chuyển Luân Vương, ba là muốn cầu vào dòng Sát Đế Lợi, bốn là muốn được vào hàng Bà la môn nhẫn đến chán sanh tử cầu Niết Bàn”. Những điều ác dục như vậy trước hết phải dứt trừ. Hiện tại hễ có dấy niệm đắm nhiễm đều gọi là ác dục, đều thuộc về sáu cõi trời dục giới, bị ma Ba Tuần cai quản.

GHI CHÚ :(l) Siểm-khúc tu-la :
A-tu-la có ba nghĩa :
l.- Vô đoan : xấu xí (đoan = đoan trang).
2.- Vô tửu : quả báo không có rượu.
3.- Phi thiên : giống thiên (trời) mà hạnh không bằng thiên. Giống thiên, tánh hay sân, mạn, nghi, tâm chấp trước rất mạnh, dầu được giáo hóa tâm cũng không động (tự không biết quấy), dầu nghe lời hay cũng không được chứng ngộ, lại rất đố kị Phật thuyết pháp. Phật nói tứ niệm xứ thì nó nói ngũ niệm xứ, Phật nói ba mươi bảy phẩm trợ đạo thì nó nói ba mươi tám phẩm, đó là bị cái tâm co khúc che lấp.
Như vậy siểm-khúc tu-la là xấu xí (mặt) cong queo (tâm). (2) Tam biến tịnh độ :
Phẩm Bảo – tháp trong kinh Pháp Hoa, có việc như vầy :
“Mười phương phân thân Phật của Đức Thích Ca Mâu Ni, mỗi mỗi thân phân Phật này đều dắt theo một Bồ tát đi cúng dường tháp Đa Bảo, khi đến núi Linh Khứu, Phật Thích Ca dùng thần lực biến uế độ thành tịnh độ :
Ban đầu biến một thế giới ta bà thành tịnh độ.
Kế đó biến hai triệu ức cõi nước thành tịnh độ.
Sau biến hai triệu ức na do tha cõi nước thành tịnh độ.
Theo đó gọi là tam biến tịnh độ.
*
* * Sư nói :Tin thật có tất cả pháp gọi là lòng tin chẳng đủ, cũng gọi là tin chẳng viên tròn, cũng gọi là tin thiên lệch một bên, nên gọi là Nhất Xiển Đề. Như nay muốn được thẳng đến giác ngộ cần phải nhân pháp đều quên, nhân pháp đều tuyệt, nhân pháp đều không, thấu suốt nghĩa ba câu, gọi là người chẳng đọa chư số, ấy mới được gọi là kẻ tin pháp.
*
* * Sư nói :Phật là người ở ngoài ràng buộc, chẳng có mảy may ái thủ, cũng chẳng có không ái thủ, cũng không có tri giải vế ái thủ hay không ái thủ, gọi là đầy đủ lục độ vạn hạnh. Nếu cần đồ trang nghiêm thì mỗi mỗi đều sẵn có, nếu không cần thì cũng không mất. Luôn luôn tự do điều khiển nhân quả phước trí.
*
* *
Hỏi :Chư Tổ từ xưa đều có mật ngữ trao truyền cho nhau là như thế nào? Sư đáp :Không có mật ngữ. Như Lai không có tạng bí mật. Vì cái giác chiếu soi này, lời nói rõ ràng mà tìm hình tướng chẳng thể được, nên nói là mật ngữ. Từ Tu Đà Hoàn trở lên cho đến Thập địa hễ có ngữ cú đều thuộc về pháp trần cấu, hễ có ngữ cú đều thuộc về bên phiền não, hễ có ngữ cú đều thuộc về giáo bất liễu nghĩa, hễ có ngữ cú đều chẳng cho. Giáo liễu nghĩa vẫn là sai lại còn đòi mật ngữ gì nữa!
*
* * Sư nói :Kẻ chân cúng dường chẳng trụ tam nghiệp : tiền tế (quá khứ) không phiền não để đoạn, trung tế (hiện tại) không tự tánh để giữ, hậu tế (vị lai) không Phật để thành, đó là tam tế đoạn, là ba nghiệp thanh tịnh, là tam luân thể không, là tam đàn (l) không. Tại sao nói tỳ kheo hầu hạ nơi Phật? Nghĩa là người lục căn vô lậu, cũng gọi là “trang nghiêm KHÔNG, vô chư lậu”, “Rừng cây trang nghiêm KHÔNG, vô chư nhiễm”, “Hoa quả trang nghiêm KHÔNG, vô Phật nhãn”. GHI CHÚ : (l) Tam đàn : Người bố thí, người nhận bố thí và tài vật bố thí.
*
* * Hỏi :Lời nói như cái mô đất để chịu tên bắn. Lời nói sanh ra không thể nào chẳng bị hại như cái mô đất kia (mô đất dụ như thân, chịu tên bắn dụ như bệnh, thân đã sanh rồi thì tất nhiên sẽ có bệnh). Tai hại đã đồng đúng sai làm sao biện biệt? Sư đáp : Như hai người bắn tên nhau, hai đầu mũi tên đụng nhau giữa đường, nếu như sai chệch một chút ắt có kẻ bị thương. Trong hang tìm tiếng, nhiều kiếp cũng không có hình, tiếng ở bên miệng. Đúng sai là ở nơi người đến hỏi. Nếu cái hỏi sai thì cái đáp theo đúng lời hỏi cũng phải sai, vậy cả hai phải bị trúng tên.
*
* * Hỏi : “Đại Thông Trí Thắng Phật (Bích Chi Phật), mười kiếp ngồi đạo tràng, Phật pháp chẳng hiện tiền, chẳng thể thành Phật đạo” là thế nào? Sư đáp : Kiếp nghĩa là mắc kẹt, cũng có nghĩa là trụ. Trụ nơi một điều thiện, mắc kẹt nơi thập thiện. Ấn Độ nói Phật, Trung Hoa dịch là Giác, cái giác chiếu soi của chính mình nếu bị kẹt nơi thiện gọi là người thiện căn không Phật tánh, nên nói Phật pháp chẳng hiện tiền, chẳng thể thành Phật đạo. Gặp ác trụ nơi ác, gọi là cái giác của chúng sanh, gặp thiện trụ nơi thiện, gọi là cái giác của thừa Thanh Văn. Chẳng trụ hai bên thiện ác mà cho sự chẳng trụ là đúng, gọi là giác của thừa Duyên Giác. Đã chẳng y trụ hai bên thiện ác và cũng chẳng khởi tri giải về chẳng y trụ, đó là cái giác của thừa Bồ tát. Đã chẳng khởi tri giải về chẳng y trụ cũng không có cái biết về khởi hay chẳng khởi mới được gọi là đại giác của Phật. Như nói Phật chẳng trụ nơi Phật, gọi là chân phước điền, nếu ở trong nghìn muôn người mà có được một người như thế thì gọi là của báu vô giá. Người ấy ở khắp mọi nơi làm đạo sư. Chỗ không có Phật nói là Phật, chỗ không có pháp nói là pháp, chỗ không có tăng nói là tăng, đấy gọi là chuyển đại pháp luân.

KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA) – Phẩm I YAMAKA VAGGA – THE TWIN VERSES – PHẨM SONG YẾU (1)

KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA)

Đa ngữ: Việt – Anh – Pháp – Đức
Dịch Việt: Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Bản dịch Anh ngữ: Hòa thượng NARADA, Colombo, Sri Lanka, 1963, 1971
TỊNH MINH dịch Việt / thể kệ – Sài Gòn, PL. 2539 – TL. 1995
Sưu tập và hiệu đính: Nguyên Định Mùa Phật Đản PL.2550, 2006

Phẩm I
YAMAKA VAGGA – THE TWIN VERSES – PHẨM SONG YẾU (1)

1. Trong các pháp(2), tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác ; Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo(3) .

CHÚ THÍCH :
(1). Những pháp yếu được diễn nói theo cách song đối.
(2). Pháp tức là Dhamma. Ở đây chỉ về pháp bất thiện, ở câu thứ hai chỉ về pháp thiện.
(3). Nguyên văn : Cakkam va vahato padam, nên dịch là : “Như bánh xe lăn theo chân con thú kéo xe”.

Mind is the forerunner of (all evil) states.
Mind is chief; mind-made are they.
If one speaks or acts with wicked mind,
because of that, suffering follows one,
even as the wheel follows the hoof of the draught-ox. — 1

1. Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo bò vậy.

1 – Le mental est l’avant coureur des conditions, le mental en est le chef, et les conditions sont façonnées par le mental; si avec un mental impur, quelqu’un parle ou agit, alors la douleur le suit comme la roue suit le sabot du bœuf.

1. Die Erscheinungen werden vom Herz / Geist angeführt, vom Herz / Geist beherrscht, vom Herz / Geist hervorgebracht; Wenn ihr mit verdorbenem Herz / Geist sprecht oder handelt, folgt euch Leid wie das Rad des Wagens der Spur des Ochsens, der ihn zieht.

2. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác; Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.

Mind is the forerunner of (all good).
Mind is chief; mind-made are they.
If one speaks or acts with pure mind,
because of that, happiness follows one,
even as one’s shadow that never leaves.—2

2. Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm thanh tịnh,
An lạc liền theo sau,
Như bóng chẳng rời hình.

2 – Le mental est l’avant coureur des conditions, le mental en est le chef, et les conditions sont façonnées par le mental; si avec un mental pur, quelqu’ un parle ou agit, alors le bonheur le suit comme l’ombre qui jamais ne le quitte.

2. Die Erscheinungen werden vom Herz / Geist angeführt, vom Herz / Geist beherrscht, vom Herz / Geist hervorgebracht; Wenn ihr mit ruhigem, klarem Herz / Geist sprecht oder handelt, folgt euch Glück, wie ein Schatten, der nie weicht.

3. “Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai còn ôm ấp tâm niệm ấy, thì sự oán hận không thể dứt.

“He abused me, he beat me,
he defeated me, he robbed me”,
in those who harbour such thoughts
hatred is not appeased. — 3

3. Hắn mắng tôi, đánh tôi,
Hắn hạ tôi, cướp tôi,
Ai ôm niềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

3 – ” Il m’a maltraité, il m’a battu, il m’a vaincu, il m’a volé “, la haine de ceux qui chérissent de telles pensées n’est pas apaisée.

3. “Er beschimpfte mich, schlug mich, besiegte mich, beraubte mich” — jenen, die darüber grübeln, kommt ihre Feindseligkeit nicht zum Erliegen.

4. “Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai bỏ được tâm niệm ấy, thì sự oán hận tự dứt.

“He abused me, he beat me,
he defeated me, he robbed me”,
in those who do not harbour such thoughts
hatred is appeased. — 4

4. Hắn mắng tôi, đánh tôi,
Hắn hạ tôi, cướp tôi,
Ai xả niềm hận ấy,
Hận thù tự nhiên nguôi.

4 – “Il m’a maltraité, il m’a battu, il m’a vaincu, il m’a volé “, la haine de ceux qui ne chérissent pas de telles pensées est apaisée .

4. “Er beschimpfte mich, schlug mich, besiegte mich, beraubte mich” — jenen, die nicht darüber grübeln, kommt ihre Feindseligkeit zum Erliegen.

5. Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi trừ được hận thù; Đó là định luật ngàn thu (4)

CT (4) Nguyên văn : Sanantano, có nghĩa là đời xưa. Cổ pháp (Sanantano Dhamma, hoặc Paranako Dham-ma) tức chỉ cho tất cả pháp tắc vĩnh cửu bất dịch mà chư Phật và đệ tử quá khứ đã gìn giữ và truyền dạy.

Hatred never cease through hatred in this world;
through love alone they cease.
This is an eternal law. — 5

5. Hận thù diệt hận thù,
Ðời này không thể có,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật nghìn thu.

5 – Jamais la haine n’éteint les haines en ce monde ; Par l’amour seul les haines sont éteintes ; C’est une ancienne loi .

5. Feindseligkeiten kommen nicht durch Feindseligkeiten zum Erliegen, egal was passiert. Feindseligkeiten kommen durch Liebe zum Erliegen: dies ist eine nie endende Wahrheit.

6. Người kia(5) không hiểu rằng : ”Chúng ta sắp bị hủy diệt(6) ” (mới phí sức tranh luận hơn thua); Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa.

CT (5): Chỉ người tranh luận. Nhân khi Phật ở Kỳ đà lâm, đối với các vị Tỷ kheo ưa tranh luận tại Câu sanh bì (Kosambi)ù mà nói kinh này, nên có sự xưng hô đó.
CT (6): Nguyên văn : Mayametthayamamasa, ý nói thẳng thì “chúng ta sắp bị diệt vong vì luật vô thường”.

The others know not that in this quarrel we perish;
those of them who realize it,
have their quarrels calmed thereby. — 6

6. Người kia không biết rằng,
Ta chết vì cãi nhau,
Ai nhận ra điều đó,
Tranh cãi lắng dịu mau.

6 – Les autres ne savent pas qu’ici nous périssons ; ceux qui réalisent cela en ont leurs querelles apaisées .

6. Nicht so wie jene, die nicht erkennen, daß wir hier am Rande des Todes sind; Für die, die es erkennen: ihre Streitigkeiten sind zum Erliegen gekommen.

7. Người chỉ muốn sống khoái lạc(7), không nhiếp hộ các căn, ăn uống vô độ, biếng nhác chẳng tinh cần, người ấy thật dễ bị ma(8) nhiếp phục, như cành mềm trước cơn gió lốc.

CT (7): Tự cho thân mình trong sạch rồi đắm ưa hoài.
CT (8): Ma vương (Ma ra) ở đây chỉ tình dục.

Whoever lives contemplating pleasant things,
with senses unrestrained,
in food immoderate,
indolent inactive,
him verily Maara overthrows,
as the wind (overthrows) a weak tree. — 7

7. Ai sống theo lạc thú,
Không nhiếp hộ các căn,
Ăn uống thiếu tiết độ,
Lười biếng kém siêng năng,
Sẽ bị Ma vương kéo,
Như cây yếu gió quằn.

7 – Celui qui demeure contemplant le plaisant, avec des sens non contrôlés, immodéré en nourriture, paresseux, inerte, celui là, en vérité, Mâra le renversera comme le vent renverse un arbre frêle.

7. Jemand, der sich immer auf das Schöne konzentriert, der seine Sinne nicht unter Kontrolle hat, der beim Essen kein Maß kennt, gleichgültig und schlaff ist: Ihn überwältigt Mara wie der Wind einen schwachen Baum.

8. Người nguyện ở trong cảnh chẳng khoái lạc (9), khéo nhiếp hộ các căn, ăn uống tiết độ, vững tin và siêng năng, ma không dễ gì thắng họ, như gió thổi núi đá.

CT (9): Chẳng khoái lạc (asubha) chỉ phép bất tịnh quán, như quán thân với 32 điều bất tịnh v.v…

Whoever lives contemplating “the Impurities”,
with senses restrained,
in food moderate,
full of faith, full of sustained energy,
him Maara overthrows not,
as the wind (does not overthrow) a rocky mountain. — 8

8. Ai sống quán bất tịnh,
Nhiếp hộ được các căn,
Ăn uống có tiết độ,
Thành tín và siêng năng,
Ma vương không chuyển nổi,
Như núi đá gió qua.

8 – Celui qui demeure contemplant le déplaisant, avec des sens bien contrôlés, modéré en nourriture, avec confiance et effort soutenu, Mâra ne peut le renverser comme le vent ne peut renverser une montagne de roc.

8. Jemand, der sich immer auf das Abstoßende konzentriert, seine Sinne unter Kontrolle hat, beim Essen Maß hält, voller Überzeugung und Tatkraft ist: Ihn überwältigt Mara nicht, wie der Wind keinen Felsberg.

9. Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế (10), không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.

CT (10): Chỉ tham dục v.v…

Whoever, unstainless,
without self control and truthfulness,
should don the yellow robe,
is not worthy of it. — 9

9. Ai mặc áo cà sa,
Tâm chưa sạch uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng mặc cà sa.

9 – Celui qui, non sans purulences, dénué de contrôle de soi même et de véracité, porterait la robe ocre n’en serait pas digne.

9. Derjenige, der verdorben, bar jeglicher Wahrheitsliebe und Selbstkontrolle, die ockergelbe Robe anzieht, verdient die ockergelbe Robe nicht.

10. Rời bỏ các cấu uế, khéo giữ gìn giới luật, khắc kỷ và chân thành, người như thế đáng mặc áo cà sa.

He who is purged of all stain,
is well-established in morals
and endowed with self-control and truthfulness,
is indeed worthy of the yellow robe. — 10

10. Ai tẩy trừ uế trược,
Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế, sống chân thực,
Xứng đáng mặc pháp y.

10 – Celui qui a vomi toutes les purulences, qui est bien établi dans les règles morales, pourvu du contrôle de soi même et de véracité, est vraiment digne de la robe ocre d’un bhikkhou.

10. Aber der, welcher frei von Verderbtheit, voller Wahrheitsliebe und Selbstkontrolle, fest verankert ist in den Gelübden, verdient die ockergelbe Robe eines Bhikkhus wirklich.

11. Phi chơn(11) tưởng là chân thật, chơn thật(12) lại thấy là phi chơn; cứ tư duy một cách tà vạy, người như thế không thể đạt đến chân thật.

CT (11): Như bốn thứ tư cụ là áo, cơm, thuốc uống, nhà ở và mười thứ tà kiến v.v…
CT (12): Như giới, định, huệ và chánh kiến v.v…

In the unessential they imagine the essential,
in the essential they see the unessential,
– they who entertain (such) wrong thoughts
never realize the essence. — 11

11. Phi chân tưởng chân thực,
Chân thực thấy phi chân,
Ai ôm ấp tà vọng,
Không bao giờ đạt chân.

11 – Dans le non réel, ils voient le réel, dans le réel, ils voient l’irréel ; Ceux qui demeurent dans le champ des idées fausses, jamais n’arrivent au réel.

11. Diejenigen, die Unwesentliches für wesentlich und Wesentliches für unwesentlich halten, gelangen nicht zum Wesentlichen und befinden sich im Reich falscher Vorsätze.

12. Chơn thật nghĩ là chơn thật, phi chơn biết là phi chơn ; cứ tư duy một cách đúng đắn, người như thế mau đạt đến chân thật.

What is essential they regard as essential,
what is unessential they regard as unessential,
– they who entertain (such) right thoughts,
realize the essence. — 12

12. Chân thực, biết chân thực,
Phi chân, biết phi chân,
Ai nuôi dưỡng chánh niệm,
Ắt hẳn đạt được chân.

12 – Ce qui est réel, ils le connaissent comme réel, ce qui est non réel, ils le connaissent comme non réel ; Ceux qui demeurent dans le champ des idées justes, arrivent au réel.

12. Die aber, welche Wesentliches für wesentlich und Unwesentliches für unwesentlich halten, gelangen zum Wesentlichen und befinden sich im Reich richtiger Vorsätze.

13. Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột ; cũng vậy, người tâm không khéo tu ắt bị tham dục lọt vào.

Even as rain penetrates
as ill-thatched house,
so does lust penetrate
an undeveloped mind. — 13

13. Như ngôi nhà vụng lợp,
Nước mưa len lỏi vào,
Tâm không tu cũng vậy,
Tham dục rỉ rả vào!

13 – De même que la pluie pénètre dans une maison au mauvais chaume, ainsi le désir pénètre une psyché non entraînée.

13. Wie Regen in eine schlecht gedeckte Hütte dringt, so Leidenschaft in den ungeübten Geist.

14. Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa dột ; cũng vậy, người tâm khéo tu ắt không bị tham dục lọt vào.

Even as rain does not penetrate
a well-thatched house,
so does lust not penetrate
a well-developed mind. — 14

14. Như ngôi nhà khéo lợp,
Nước mưa không thấm vào,
Tâm khéo tu cũng vậy,
Tham dục khó lọt vào!

14 – De même que la pluie ne pénètre pas dans une maison au chaume en bon état, ainsi le désir ne pénètre pas dans une psyché bien entraînée.

14. Wie Regen nicht in eine gut gedeckte Hütte dringt, so Leidenschaft nicht in den geübten Geist.

15. Đời này chỗ này buồn, chết rồi chỗ khác buồn; kẻ làm điều ác nghiệp, cả hai nơi đều lo buồn ; vì thấy ác nghiệp mình gây ra, kẻ kia sinh buồn than khổ não.

Here he grieves, hereafter he grieves.
In both states the evil-doer grieves.
He grieves, he is afflicted,
perceiving the impurity of his own deeds. — 15

15. Nay buồn, đời sau buồn,
Làm ác hai đời buồn.
Hắn u buồn, tàn tạ,
Thấy uế nghiệp mình luôn.

15 – Il s’afflige dans cette vie, il s’afflige après cette vie, dans tous les mondes, celui qui fait le mal s’afflige : il s’afflige et périt, voyant son action impure.

15. Hier grämt er sich, er grämt sich danach. In beiden Welten grämt sich der Übeltäter; Er grämt sich, er ist bekümmert, wenn er das Schlechte seiner Taten sieht.

16. Đời này chỗ này vui, chết rồi chỗ khác vui; kẻ làm điều thiện nghiệp, cả hai nơi đều vui; vì thấy thiện nghiệp mình đã làm, kẻ kia sinh ra an vui, cực vui.

Here he rejoices, hereafter he rejoices.
In both states the well-doer rejoices.
He rejoices, exceedingly rejoices,
perceiving the purity of his own deeds. — 16

16. Nay vui, đời sau vui.
Làm phúc hai đời vui.
Hắn an vui, hoan hỷ,
Thấy tịnh nghiệp mình nuôi.

16 – Il se réjouit dans cette vie, il se réjouit après cette vie, dans tous les mondes, le faiseur de bien se réjouit ; Il se réjouit, il se réjouit extrêmement, en voyant ses actions pures.

16. Hier freut er sich, er freut sich danach; In beiden Welten freut sich der inneren Reichtum Schaffende; Er freut sich, ist glücklich, wenn er das Makellose seiner Taten sieht.

17. Đời này chỗ này khổ, chết rồi chỗ khác khổ; kẻ gây điều ác nghiệp, cả hai nơi đều khổ, buồn rằng “ta đã tạo ác”, phải đọa vào ác thú khổ hơn(13).

CT (13): Do tạo ác nghiệp mà đưa đến sự bi ai trong đời này gọi là “Buồn tôi đã tạo ác”. Nhưng mà nỗi bi ai này còn có hạn , chứ tương lai đọa vào ác đạo thọ báo lâu dài, cái khổ này mới vô cùng.

Here he suffers, hereafter he suffers.
In both states the evil-doer suffers.
“Evil have I done” (thinking thus), he suffers.
Furthermore, he suffers, having gone to a woeful state. — 17

17. Nay than, đời sau than.
Làm ác hai đời than.
Hắn than: “Ta làm ác”
Ðọa cõi khổ, càng than.

17 – Il se lamente dans cette vie, après cette vie il se lamente, dans tous les mondes celui qui fait le mal se lamente ; “J’ai fait le mal”, ainsi se lamente-t-il ; Encore plus se lamente-t-il, allé vers les états misérables.

17. Hier quält er sich, er quält sich danach; In beiden Welten quält sich der Übeltäter; Er quält sich mit dem Gedanken: “Ich habe falsch gehandelt”; Nachdem er zu einem schlechten Zustand gelangt ist, wird er noch mehr selber gequält.

18. Đời này chỗ này hoan hỷ, chết rồi chỗ khác hoan hỷ; kẻ tu hành phước nghiệp, cả hai nơi đều hoan hỷ, mừng rằng “ta đã tạo phước” được sinh vào cõi lành hoan hỷ hơn.

Here he is happy, hereafter he is happy.
In both states the well-doer is happy.
“Good have I done” (thinking thus), he is happy.
Furthermore, he is happy, having gone to a blissful state. — 18

18. Nay mừng, đời sau mừng.
Làm phúc hai đời mừng.
Hắn mừng: “Ta làm phúc”
Sanh cảnh lành, mừng hơn.

18 – Il est joyeux dans cette vie, il est joyeux après cette vie ; celui qui fait le bien, dans tous les mondes il est joyeux ; “J’ai fait le bien”, encore plus est-il joyeux, allé vers les états heureux.

18. Hier ist er glücklich, er ist danach glücklich; In beiden Welten ist der inneren Reichtum Schaffende glücklich; Er ist glücklich bei dem Gedanken “ Ich habe inneren Reichtum geschaffen”; Nachdem er zu einem guten Zustand gelangt ist, ist sein Glück noch größer.

19. Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành thì chẳng huởng được phần ích lợi của Sa môn, khác nào kẻ chăn bò thuê, lo đếm bò cho người (14).

CT (14): Kẻ chăn bò thuê cứ sáng sớm dắt bò ra đồng, tối lại lùa bò về chuồng giao cho chủ, ngày ngày chỉ đếm bò mà đổi lấy ít tiền công, còn sữa, lạc, sanh tô, đề hồ của bò thì anh ta không hưởng được. Tụng kinh mà không tu hành theo kinh thì chẳng hưởng được lợi ích của kinh, của kẻ tu hành.

Though much he recites the Sacred Texts,
but acts not accordingly,
that heedless man is like a cowherd
who counts others’ kine.
He has no share in the fruits of the Holy Life. — 19

19. Dầu đọc tụng nhiều kinh,
Tâm buông lung cẩu thả,
Như kẻ chăn bò thuê,
Khó hưởng Sa môn quả.

19 – Quoiqu’il récite beaucoup les textes, s’il n’agit pas en accord avec eux; cet homme inattentif est comme un gardien de troupeaux qui compte le troupeau des autres ; il n’a aucune part dans les béatitudes de l’ascète.

19. Wenn jemand viel heiliges Textbuch aufsagt, jedoch als unwachsamer Mensch nicht nach ihnen handelt; dann ist er wie ein Viehhirte, der das Vieh anderer zählt, und ernt nicht Frucht eines kontemplativen Lebens.

20. Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, từ bỏ tham sân, si, tâm hiền lành, thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế dục, thì dù ở cõi này hay cõi khác, người kia vẫn hưởng phần ích lợi của Sa môn.

Though little he recites the Sacred Texts,
but acts in accordance with the teaching,
forsaking lust, hatred and ignorance,
truly knowing, with mind well freed,
clinging to naught here and hereafter,
he shares the fruits of the Holy Life. – 20

20. Dầu đọc tụng ít kinh,
Nhưng hành trì giáo pháp,
Như thật, tâm giải thoát,
Từ bỏ tham sân si,
Hai đời không chấp trì,
Thọ hưởng Sa môn quả.

20 – Quoiqu’il récite peu les textes, il agit en accord avec le Dhamma , et se défaisant du plaisir sensuel, de la haine et de l ‘ ignorance, connaissant selon la vérité, avec un esprit totalement libre, Attachant à rien ci et après, il prend part aux béatitudes de l’ascète.

20. Wenn jemand selten Textbuch aufsagt, aber dem Dhamma folgt, in Übereinstimmung mit dem Dhamma handelt, Leidenschaft, Abneigung, Täuschung aufgibt, und wach ist, mit freiem Geist, nicht anhaftet weder hier noch danach, ernt er doch Frucht eines kontemplativen Lebens.

Nguồn/ soucre thư viện Hoa sen

KSITIGARBHA SUTRA – Chapter Five

Chapter Five

The Names of Different Kinds of Hells

At that time, Samantabhadra Maha Bodhisattva requested Ksitigarbha Bodhisattva and said, “My meritorious One, please be kind enough to relate to devas, the dragons and all beings of the Samsara world, in the present and the future, the names of different Hells and the kinds of punishment for committing sins, so that beings in the future generation will realize the result of evil deeds and therefore will avoid evil.” Ksitigarbha Bodhisattva replied, “My compassionate One, under the supernatural powers of the Buddha and your kind support, I now give you the names of Hells and the kinds of punishment for sinners in brief—

1. The Great Avichi Hell At the East of the Mahachakravala mountain which is extremely cold, for there is neither light of the sun nor the moon, there is a great Hell by the name of Great Avichi. Punishments in this Hell comprise of pain, form, birth and death. Such punishments continue without intermission.

2. Hell of Interminable Punishment Where the wailing and screaming of sinners are heard because of pain.

3. Hell of Four Corners Where hot and burning iron-walls surround this Hell and with flames of fire falling on the sinners, like heavy rain-drops. After the sinners are burnt to death, they are reborn for further sufferings.

A. Hell of Flying Knives This Hell is surrounded by mountains made of Knives. In the air, there are millions and millions of sharp walls with curved Knives which will fall on the sinners.

When the Knives fall on the sinners’ bodies, the bodies will be slashed to pieces.

5. Hell of Burning Arrows Where millions of Burning Arrows pierce through the sinners’ hearts and bodies.

6. Hell of Crushing Mountains Where sinners will be crushed to pieces between two Mountains.

7. Hell of Knife-like Spears Where sinners’ bodies will be pierced through by these Spears.

8. Hell of Iron-Trains Where sinners’ bodies are turned and run over by the burning iron-wheels of these Trains.

9. Hell of Burning Iron-Beds

Where sinners bodies are placed on these Beds to be burnt to death.

10. Hell of Iron-Cows or Oxen Where sinners are pierced or stepped over by the horns or hoofs of these Cows or Oxen.

11. Hell of Burning Iron-Clothing Where sinners are wrapped up by these burning Iron-Clothing.

12. Hell of Thousands of Burning Iron-swords Where sinners are forced to lie on them which pierce through their bodies. Knives are also seen flying from the air, hitting the sinners’ bodies and cutting them to pieces.

13. Hell of Burning Iron-Asses Where sinners are forced to ride on them.

14. Hell of Molten Brass Where sinners have Molten Brass poured into their mouths.

15. Hell of Brass Pillars Where sinners are forced to embrace the burning Brass Pillars.

16 Hell of Burning Flames Where sinners bodies are burnt by the Flames falling on them like rain-drops without any chance for them to escape.

17. Hell of Tongue-Plough Where sinners’ tongues are used as Ploughs to plough the land.

18. Hell of Iron-Saws

19. Where the heads of sinners are sawed.

19. Hell of Burning Iron Ground Where sinners are forced to walk on it with bare feet.

20. Hell of Iron Eagles Where sinners’ eyes are pecked by Iron-Eagles.

21. Hell of Burning Iron-Balls Where sinners are forced to swallow the Balls.

22. Hell of Quarrels Where sinners are burnt with iron-claws, and are always seen in a fight with one another.

23. Hell of Iron-Hammers Where sinners are smashed by the Iron-Hammers.

24. Hell of Great Anger Where sinners are made to fight against one another angrily.

Ksitigarbha Bodhisattva said again, “My compassionate One, inside the Mahachakravala, there are innumerable such Hells of Punishment. Again, there are—

25. Hell of Wailing

24

Where sinners are thrown into the burning tanks with molten iron and they wail on account of severe pain.

26. Hell of Plucking Tongues Where sinners’ tongues are plucked by Iron-Hooks.

27. Hell of Urine and Manure Where sinners are driven into the pit of Urine and Manure.

28. Hell of Brass Locks Where sinners are locked against the Iron-Mountain and made to run.

29. Hell of Fire Elephants Where sinners are chased by burning Elephants.

30. Hell of Fire Dogs Where sinners are bitten by them.

31.Hell of Fire Horses and Fire Cows Where sinners are chased or stepped on by the burning animals.

32.Hell of Fire Mountains Where sinners are forced to walk between them and be crushed into ashes.

33.Hell of Fire Rocks Where sinners are forced to lie on the Iron Burning-Rocks and with such Rocks pressed against them.

34. Hell of Fire Beds Where sinners are forced to lie on them.

35. Hell of Fire beams Where sinners are hanged on them.

36. Hell of Fire Eagles Where sinners are attacked by them.

37. Hell of Fire Saws Where sinners’ bodies and teeth are sawed.

And again There is a Hell where sinners’ skins are stripped.

There is a Hell where the blood of sinners is sucked.

There is a Hell where the feet and hands of sinners are burnt.

There is a Hell of iron-trees with sharp thorns where sinners are dragged against the burning thorns.

There are Hells of burning iron-houses, as here sinners are to be locked within them and then burnt to ashes.

There is a Hell of iron-wolves, which either run after or stamp on sinners’ bodies, and even bite them to pieces.

Inside such Hells there are various kinds of small ones, either one, two, three, four or even up to hundreds and thousands of smaller Hells with different names.”

Ksitigarbha Bodhisattva then told Samantabhadra Maha Bodhisattva and said’ “My meritorious One’ the above Hells are formed purposely to punish all beings who are of the bad habits to commit sins either through their actions, words and thoughts. The power of Cause and Effect is so great and inevitable, it can be compared to being as big as the Mount Sumeru and as deep as the great ocean. Evil sins are obstacles preventing us from practicing meritorious deeds to aim for Buddhahood. That is why all beings should be cautious not to commit even the smallest sin. Never think that a small sin will not get any punishment in return.

After one is dead, he or she will be cast into the Hell to be punished even for the smallest evil deed done. Close relatives, as that of a father and his children, may find themselves cast into different Hells. When they meet at the same Hell, however, they are not permitted, as well as reluctant, to suffer on behalf of their beloved ones. By the supernatural power of our Honored One, the Shakyamuni Buddha, I am now only relating to you the punishment of different Hells in brief. I hope you will be kind enough to listen to me.

Then Samantabhadra Maha Bodhisattva replied, “”I have come to know about the punishment of evil deeds through actions, words and thoughts long ago. I earnestly hope that my compassionate One will kindly speak about the law of Cause and Effect so that every being of the future generation will learn the lesson from you to abstain from doing bad deeds, but to practice meritorious ones by aiming to attain Buddhahood.” Ksitigarbha Bodhisattva said again, “My compassionate One, the punishments in Hells are as real as such. There are Hells where the tongues of sinners are used as ploughs. In some of the Hells, the hearts of sinners are pulled out and eaten by Yaksas. In some Hells, the sinners have to be put into boiling tanks and be boiled to death. In some of the Hells, sinners are forced to embrace burning brass pillars.

In some of the Hells, sinners are circulated by burning flame.” Inside some of the Hells, it is extremely cold, where sinners are frozen to death. In some of the Hells, sinners have to float among the dirt of urine and manure. In some of the Hells, there are flying iron weapons, which crush the sinners’ bodies.

In some of the Hells, there are burning spears, which pierce through the suffering sinners. In some of the Hells, the hands and feet of sinners are made to hold or walk on burning irons. In some of the Hells, the bodies of sinners are curled around by iron snakes. In some of the Hells, sinners are chased by iron dogs. In some of the Hells, sinners are forced to ride on iron asses.

People who have committed sins by killing, theft, adultery, lying, slandering, abusing, gossiping, craving and anger have to be cast into the above Hells for punishment without any chance of escape.

My compassionate One. The weapons of punishment in the various Hells are innumerable in kinds, either made of brass, iron, stone, or fire. The stubbornness of

all beings is as strong as brass, iron and stone, which are difficult to break. The power of Cause and Effect on sinners is as dangerous as fire, which will spread rapidly and burn things to ashes. If I am to speak about the sufferings of Hells in detail, there are hundreds and thousands of various kinds of suffering in each Hell.

Evidently, there will be more sufferings in more Hells. Under the supernatural power of our Honored One, the Shakyamuni Buddha, and at your kind request, I am now only relating the sufferings in Hells very briefly. If I am to speak about the sufferings and punishments in Hells in detail, I cannot fully express them, even through kalpas and kalpas.

HƯỚNG DẪN TRUY CẬP TRANG NHÀ QUẢNG ĐỨC (quangduc.com)

Có duyên tìm được tài liệu sau trên trang nhà Thư viện hoa sen (www.thuvienhoasen.org), xin chia sẻ cùng quý vị

Trong thời gian gần đây, rất nhiều độc giả ở Việt Nam đã liên lạc với chúng tôi và cho biết hiện nay tại Việt Nam việc truy cập website Quảng Đức rất khó khăn. Cụ thể là các dịch vụ của Viettel như cáp quang, 3G đều không cho phép truy cập vào địa chỉ http://www.quangduc.com – Điều này cũng tương tự như đã xảy ra với nhiều trang mạng khác, như Facebook…

Trong thực tế, trang Quảng Đức là một trang thuần túy Phật giáo, chỉ làm công việc thông tin những gì liên quan đến Phật pháp và sự tu tập của người Phật tử. Việc các dịch vụ Internet ở Việt Nam ngăn cản không cho người dùng truy cập vào quangduc.com là một điều hoàn toàn vô lý và rất có thể là một sự đánh giá nhầm lẫn. Chúng tôi hy vọng khi nhận ra sự nhầm lẫn này, các dịch vụ Internet ở Việt Nam sẽ không còn gây khó khăn cho người dùng nữa.

Tuy nhiên, trong thời gian hiện nay, để giúp độc giả vượt qua được khó khăn này và có thể truy cập vào trang Quảng Đức một cách bình thường, nhằm sử dụng những Kinh điển, tài liệu Phật pháp mà chúng tôi đăng tải, chúng tôi xin hướng dẫn biện pháp khắc phục như dưới đây.

Thật ra, để ngăn cản người dùng, các dịch vụ Internet cũng không có khả năng can thiệp vào hoạt động của mạng lưới toàn cầu. Họ chỉ có thể làm việc quấy nhiễu này bằng cách xóa bỏ tên trang quangduc.com trong kho dữ liệu DNS (domain name server) của họ. Khi người dùng truy cập vào trang quangduc.com, theo thông thường thì máy chủ của họ sẽ tìm trong kho dữ liệu DNS có lưu trữ tên miền đó và diễn dịch ra thành một địa chỉ hợp lệ mà máy tính hiểu được, như http://118.127.29.226 – nhờ đó mà trình duyệt của người dùng tìm được đến đúng địa chỉ của quangduc.com. Khi tên miền này bị xóa bỏ trong kho lưu trữ dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ, như Viettel ở Việt Nam, thì nó không thể được chuyển dịch sang địa chỉ hợp lệ cho máy tính, và kết quả là người dùng nhận được một thông báo trên trình duyệt là “Server not found” (không tìm thấy máy chủ).

Do vậy, để giải quyết vấn đề, chỉ cần nhờ đến một dịch vụ DNS khác, vốn rất nhiều trên Internet và phục vụ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi đề xuất độc giả sử dụng dịch vụ DNS phổ biến nhất và rất đáng tin cậy là Google DNS. Chúng tôi xin hướng dẫn cả cách thiết đặt trên máy tính xách tay (Laptop), máy tính để bàn (Desktop) và trên iPad (máy tính bảng).

Chi tiết xin tải xuống tài liệu định dạng PDF dưới đây

HuongDan_doc_TrangNha_QuangDuc